Chúng ta đã nói nhiều, làm nhiều và kết quả đạt được cũng khá lớn, nhưng thực tế công tác đảm bảo an toàn thực phẩm ở nước ta cho thấy còn nhiều vấn đề cần giải quyết như chuyện ô nhiễm thực phẩm, tồn dư hóa chất độc hại trong nông sản thực phẩm, thực phẩm không có nguồn gốc, thực phẩm nhập lậu… vẫn được lưu thông hằng ngày trên thị trường, ở cả nông thôn và thành thị. Chính từ những loại thực phẩm không đảm bảo chất lượng như thế, tình trạng ngộ độc thực phẩm đã diễn ra khá nhiều, gây bệnh cho hàng nghìn người. Theo Cục VSATTP (Bộ Y tế), năm 2014, cả nước có 194 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 5.000 người mắc, gây tử vong cho 43 người. Tình trạng này diễn ra ở nhiều nơi, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học có đông người ăn. Mới đây, sau bữa trưa, 107 công nhân ở Khu công nghiệp Phú Nghĩa (Chương Mỹ, Hà Nội) phải nhập viện vì ngộ độc thực phẩm; hay chuyện 15 học sinh ở thị xã Bến Cát (Bình Dương) cũng phải nhập viện sau bữa trưa… Năm 2015 được xác định là năm về an toàn vệ sinh thực phẩm của ngành Nông nghiệp, các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương tích cực kiểm tra, nhưng tình trạng vi phạm vẫn xảy ra nhiều. Trong ba tháng đầu năm 2015, có 25 tỉnh triển khai kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, nông lâm thủy sản thì có đến non nửa số cơ sở thuộc loại C. Thanh tra Bộ NNPTNT và Cục Thú y tổ chức kiểm tra đột xuất tại tỉnh Hậu Giang đã phát hiện một số cơ sở sản xuất thuốc thú y có sử dụng kháng sinh cấm, thức ăn bổ sung không có trong danh mục; đã tổ chức tiêu hủy và xử phạt hành chính 66 triệu đồng; tịch thu 4 tấn thức ăn chăn nuôi có chất cấm Salbutamol… Thuốc thú y dùng kháng sinh cấm, thức ăn chăn nuôi chứa quá nhiều chất tăng trọng; còn trong trồng trọt rau màu, tình trạng phổ biến hiện nay là bà con nông dân dùng quá nhiều thuốc trừ sâu và thuốc kích thích tăng trưởng, không tuân thủ quy định về thời gian phun thuốc đến khi thu hoạch, vừa phun hôm trước, hôm sau đã hái đem bán ra thị trường, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa gây tác hại đến sức khỏe người tiêu thụ, gây mất tác dụng của cuộc vận động sản xuất và tiêu thụ rau sạch theo tiêu chuẩn Vietgap. Tình trạng này diễn ra ở nhiều địa phương, song phổ biến nhất vẫn ở khu vực ven TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các khu công nghiệp lớn…
Thực hiện Tháng hành động Vì an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2015 bảo vệ sức khỏe và sinh mạng cho người dân đang là hành động cấp bách của các cấp chính quyền, của ngành chức năng và của mỗi người chúng ta hiện nay. Bên cạnh kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm thì cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đến người nông dân là người trực tiếp sản xuất ra rau, thịt chấp hành đúng các khuyến nghị của ngành Nông nghiệp về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sản xuất theo mô hình Vietgap; không sử dụng các loại thuốc thú y, các loại thức ăn chăn nuôi đã được cảnh báo độc hại… để không chỉ mỗi Tháng hành động này mà suốt cả 365 ngày trong năm đều phải là An toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Thanh Huyền