Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em (31/05/2012)

Cho đến nay, phần lớn các mục tiêu về chăm sóc sức khoẻ cho trẻ em đều đạt được. Trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số ở các xã đặc biệt khó khăn và trẻ em dưới 6 tuổi, được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh. Năm 2011, gần 88% số trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT. Số trẻ em đi học đúng độ tuổi các cấp học đều tăng dần qua các năm học. Những mục tiêu về sinh hoạt văn hóa tinh thần và vui chơi giải trí cho các em được tích cực thực hiện. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang nằm trong danh sách 16 quốc gia có tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cao. Tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em, mua bán trẻ em vẫn tiếp diễn. Đáng lưu ý là, bạo lực học đường diễn ra ngày càng nhiều.

Nguyên nhân của các tình trạng trên, trước hết là do việc quan tâm quản lý, chăm sóc, giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội chưa thường xuyên, sâu sát. Trẻ em không được vui chơi, giải trí lành mạnh để phát triển toàn diện về thể chất và nhân cách. Do đó, các em không làm chủ được bản thân; định hướng sai lệch trước tác động của mạng in-tơ-nét, các ấn phẩm văn hóa đồi trụy, trò chơi bạo lực…

Thực tế chứng minh rằng, việc tạo điều kiện cho trẻ được tiếp cận những hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh sẽ giúp các em có điều kiện hoàn thiện mình và tránh được nguy cơ làm ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của trẻ. Vì vậy, bên cạnh việc dạy chữ, cần tổ chức cho các em vui chơi. Vui chơi cũng là một hình thức giáo dục. Giáo dục các em phải kết hợp cả 3 yếu tố: Đức dục, trí dục và thể dục, như lời Bác Hồ dạy: “Cách dạy trẻ cần làm cho chúng biết yêu Tổ quốc, thương đồng bào, yêu lao động, biết giữ vệ sinh, giữ kỷ luật, học văn hóa”.

Điều 17, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của Nhà nước ta (năm 2004) quy định: “Trẻ em có quyền được vui chơi, giải trí lành mạnh, được hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục, thể thao du lịch phù hợp với lứa tuổi”. Một trong những mục tiêu quan trọng được đặt ra trong các chương trình, chiến lược thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em là tạo điều kiện cho các em được tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí; qua đó, hình thành cho các em đời sống thể chất và tinh thần lành mạnh, phong phú…

Tuy nhiên, hiện nay các cơ sở văn hóa, vui chơi giải trí cho trẻ em còn yếu kém; phân bố không đều, gây cách biệt giữa thành thị và nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Nhiều địa phương không bố trí được quỹ đất dành cho việc xây dựng các cơ sở văn hóa, vui chơi, giải trí. Do đó, nhiều trẻ em ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa ít có điều kiện tiếp cận với các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí để thực hiện quyền cơ bản của trẻ em theo luật định.

Để công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em ngày càng tốt hơn cần có sự quan tâm thường xuyên của Đảng uỷ, chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội; tăng cường truyền thông giáo dục về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đối với mọi tầng lớp lứa tuổi. Các ngành chức năng tạo ra nhiều hơn nữa những sân chơi lành mạnh, diễn đàn bổ ích, góp phần thúc đẩy phát triển kỹ năng kiến thức toàn diện cho các em. Từ đó, ngăn chặn được hiện tượng trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực và vi phạm pháp luật; thực hiện Tháng hành động vì trẻ em với chủ đề “Vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em”.

Báo CCB Việt Nam