Bảo vật quốc gia từ bầu trời
Đại tá Bùi Văn Cơ-nguyên Đại đội trưởng của Tiểu đoàn thợ máy Trung đoàn 921 cho biết: Máy bay MIG-21 số hiệu 4324 là loại máy bay chiến đấu tiêm kích, một người lái, lắp động cơ phản lực P11-300, do Liên Xô sản xuất năm 1965, viện trợ cho Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, được biên chế vào Trung đoàn 921, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không Không quân từ tháng 1-1967. Trong năm 1967, máy bay MIG-21 số hiệu 4324 đã cùng các phi công cất cánh 69 lần, gặp máy bay Mỹ 22 lần, nổ súng 16 lần, bắn rơi 14 máy bay các loại của địch. Thời gian này, để động viên Bộ đội Không quân, Bác Hồ đã về thăm một đơn vị và đề nghị: mỗi phi công bắn rơi 1 máy bay Mỹ thì được tặng một Huy hiệu của Người và gắn một ngôi sao đỏ trên phần chiếc máy bay đó. Kể từ ngày ấy, nhiều máy bay của Không quân nhân dân Việt Nam đã chiến đấu, lập công và được gắn ngôi sao trên mũi. Máy bay MIG-21 số hiệu 4324 được gắn 14 ngôi sao vinh dự vì đã bắn rơi 14 máy bay Mỹ.
Ngôi sao đầu tiên được gắn vào ngày 30-4-1967, phi công Lê Trọng Huyên lái máy bay MIG-21 4324 dũng cảm tiến vào vùng không chiến trên bầu trời Thái Nguyên, bắn rơi 1 chiếc F105, được mệnh danh là "thần sấm" của Mỹ. Ngôi sao thứ 14 được gắn vào ngày 19-12-1967, phi công Nguyễn Đăng Kính lái MIG 4324 đối đầu với biên đội F4 và F105 trên bầu trời Tam Đảo (Vĩnh Phúc), và bắn rơi 1 chiếc F4. Trận chiến thắng oanh liệt nhất của MIG-21 4324 là ngày 17-12-1967, hai phi công Vũ Ngọc Đỉnh và Nguyễn Đăng Kính thay nhau lái và lần lượt đối mặt với 32 chiếc F105 và F4 của Mỹ vào đánh phá Hà Nội. Hai phi công đã bắn rơi 2 chiếc "thần sấm" F105, trả thù cho đồng bào Thủ đô và miền Bắc bị chúng ném bom giết hại.
Trong 9 phi công đã lái MIG-21 số hiệu 4324, thì 5 người hai lần bắn rơi máy bay địch, là các phi công Lê Trọng Huyên, Phạm Thanh Ngân, Nguyễn Hồng Nhị, Nguyễn Văn Cốc, Nguyễn Đăng Kính và 8 người được tuyên dương Anh hùng LLVTND; 5 phi công được phong quân hàm cấp tướng, có người là cán bộ giữ trọng trách cao của Đảng, Nhà nước và quân đội như Thượng tướng, Anh hùng LLVTND Phạm Thanh Ngân, UV BCT, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Thiếu tướng, giáo sư, Anh hùng LLVTND Nguyễn Ngọc Độ, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không-Không quân. Nhưng cũng có đồng chí đã anh dũng hi sinh trong chiến đấu.
Thượng tướng Phạm Thanh Ngân nhớ lại: Ngày 4-5-1967, tôi được lệnh điều khiển chiếc MIG-21 số hiệu 4324 xuất kich nhiều lần và bắn rơi 1 chiếc F105 của Mỹ trên bầu trời Tuyên Quang, sau đó hạ cánh xuống sân bay Nội Bài. Ngày 18-11-1967 tôi và anh Cốc xuất kích, gặp một biên đội gồm 4 máy bay tiêm kích F4 và 12 chiếc F105 ở phía tây Phú Thọ. Sau đó biên đội 2 chiếc MIG chúng tôi phối hợp chia tách đội hình địch, chiếc MIG 4324 của tôi bắn rơi 1 máy bay của chúng...
Theo một số chuyên gia về kỹ thuật máy bay ngày ấy thì MIG-21 số hiệu 4324 thuộc loại tốt của Không quân nhân dân Việt Nam. Nó có thể xuất hiện giữa đội hình máy bay địch, tấn công bất ngờ và thoát ly như một bóng ma. MIG-21 số hiệu 4324 mang lại hiệu chiến đấu cao nhất so với các máy bay khác trong năm 1967.
Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, Không quân nhân dân Việt Nam đã lập được nhiều chiến công rất đáng tự hào, bắn rơi 320 máy bay địch với 19 chủng loại và có cả pháo đài bay B52; trong đó có chiến công của MIG-21 số hiệu 4324. Ngày 7-12-1974, chiếc máy bay này được đưa về Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam và ngày 14-1-2015 máy bay 4324 được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia. Sự kiện này có ý nghĩa chính trị xã hội to lớn, là việc ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với hiện vật có giá trị đặc thù liên quan đến sự kiện trọng đại của đất nước. Đó là đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ lần thứ nhất (1965-1968). Máy bay MIG-21 số hiệu 4324 là hiện vật có giá trị đặc biệt, là biểu tượng chiến thắng của Không quân nhân dân Việt Nam anh hùng. Bảo vật quốc gia đến từ bầu trời là hiện thân của tinh thần bách chiến bách thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng thời có ý nghĩa tuyên truyền giáo dục sâu sắc truyền thống cách mạng đối với các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế.
Bài và ảnh: Tô Kiều Thẩm