Bảo tồn, phát huy di sản phi vật thể Chầm riêng Chà pây
Nghệ nhân dân gian Thạch Mâu (sinh năm 1936, ở ấp Chông Bát, xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú), người học đàn, hát loại hình nghệ thuật độc đáo này năm 14 tuổi và là người duy nhất đàn, hát Chầm riêng Chà pây rất hay ở Trà Vinh mấy chục năm qua. Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4, nghệ nhân Thạch Mâu cảm hứng vừa cầm đờn vừa hát, rồi ông nói: Đàn Chà pây thường được làm bằng cây gỗ mít hoặc cây lành canh, thuộc loại nhạc khí dây gảy, có cần đàn dài, thùng đàn to với nhiều kiểu khác nhau: Hình thang cân, hình lá bồ đề, hình trái thơm (dứa) và gần giống như đàn đáy của người Việt, nhưng 4 góc thùng đàn được cắt tròn chứ không vuông góc. Đàn Chà pây thường được sử dụng cho đơn ca độc tấu, gọi là “ca kể chuyện”.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Khmer Trà Vinh - Lý Săng: “Nghệ thuật Chầm riêng Chà pây là trong lúc diễn tấu, nghệ nhân biểu diễn vừa đàn từng đoạn nhạc, vừa tự hát từng câu ứng tác về một đề tài đã chuẩn bị sẵn nào đó. Do lời hát chủ yếu là được ứng tác, nên từ khúc nhạc dạo, câu nhạc đệm cùng với cách luyến láy và khúc nhạc kết đến giọng điệu của mỗi người tạo nên sắc thái độc đáo riêng. Lời bài hát Chầm riêng thường nhằm giáo dục mọi người về tình yêu quê hương, phum sóc, lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà tổ tiên... khuyên răn mọi người về đạo lý, sống theo pháp luật, phê phán thói hư tật xấu...”. Đây chính là nét độc đáo nhất của loại hình nghệ thuật dân gian Chầm riêng Chà pây.
Nghệ nhân Thạch Mâu tâm sự: Việc sáng tác loại hình nghệ thuật dân gian này là rất khó khăn, vì tùy theo ngữ cảnh để ứng biến lời ca, tiếng hát sao cho vần điệu, do đó vốn kiến thức phải hết sức phong phú. “Năm nay tôi đã hơn 80 tuổi, không biết sống nay chết mai như thế nào. Ước muốn cuối đời của tôi là làm sao có thể lưu truyền lại loại hình nghệ thuật đã có hàng trăm năm tuổi của cha ông, một loại hình nghệ thuật quý giá, độc đáo của đồng bào Khmer cho con cháu đời sau biết mà dùng”. Vì vậy, nghệ nhân Chầm riêng Chà pây ngoài việc có giọng hát tốt, biết đàn hay, còn cần phải có một vốn kiến thức sâu rộng mới có thể ứng tác biểu diễn thành công.
Còn ông Lý Văn Năng - Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú cho biết: Lúc còn khỏe, có cây Chà pây trên tay, nghệ nhân dân gian Thạch Mâu có thể hát say sưa cả ngày mà không biết mệt. Tiếng hát của ông lúc trầm ấm đọng mãi trong tâm khảm người nghe, lúc giòn tan theo cái nắng, cái mưa, lúc ray rứt buồn vui thế sự... “Những bài Chầm riêng phần lớn là do ông ngẫu hứng trong lúc hát. Và có lẽ, cũng chỉ có cây đàn Chà pây mới đủ “kiên nhẫn” họa theo những bài hát như không bao giờ dứt ấy” - ông Năng nói.
Bản thân nghệ nhân Thạch Mâu cũng có tâm huyết truyền dạy cho các thế hệ sau để lưu giữ và phát triển loại hình nghệ thuật này cho đồng bào mình. Mấy năm gần đây, những lúc rảnh rang, dưới mái hiên nhà, hay nơi gốc cây cổ thụ đầu xóm lúc chiều tà, ông cùng người con Thạch Sarat (50 tuổi) gom trẻ em lại rồi dạy cho chúng cách bấm nốt lên dây đàn... Và cùng với Chầm riêng Chà pây, ông lại cất lời hát để kể cho chúng nghe những câu chuyện cổ xưa được ông bà truyền lại, những bài học làm người, những nét đẹp của dân tộc...
Để bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia - nghệ thuật Chầm riêng Chà pây của người Khmer, ông Trần Thanh Thưởng - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Trà Vinh cho biết: “Thời gian qua, Trà Vinh có kế hoạch phối hợp với Ngành GDĐT tăng cường công tác giáo dục thẩm mỹ, giáo dục tình yêu nghệ thuật dân tộc nói chung, nghệ thuật Chầm riêng Chà pây nói riêng cho học sinh trong các trường dân tộc nội trú, đồng thời đầu tư kinh phí tuyển chọn những người có năng khiếu để nghệ nhân truyền dạy và tổ chức những cuộc thi tìm hiểu về loại hình nghệ thuật độc đáo này để nâng cao hiểu biết và ý thức trong việc gìn giữ di sản”.
Tin tưởng rằng, nghệ thuật Chầm riêng Chà pây của người Khmer sẽ mãi ngân vang, bay xa trong đời sống đương đại, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Bài và ảnh: Phương Nghi