Bảo tàng Cội Nguồn trên đảo Phú Quốc (02/12/2009)

Doanh nhân Huỳnh Phước Huệ là tác giả của bộ sưu tập rất nặng tình với hòn đảo quê hương này.

Hơn mười năm trước, năm 1998, với ước nguyện làm gì đó cho Phú Quốc, Huỳnh Phước Huệ cặm cụi sưu tầm tài liệu, viết và xuất bản cuốn sách đầu tay: Tiềm năng Phú Quốc xưa và nay, một cẩm nang cho khách du lịch tới đảo với các bãi biển cát trắng mịn tuyệt đẹp, những cánh rừng nguyên sinh thâm nghiêm, những khu nghỉ dưỡng hài hòa, thân thiện với môi trường, những làng chài trù phú và chợ đêm sực nức mùi hải sản nướng chen vai thực khách đa màu da, đa ngôn ngữ...

Sau khi cuốn sách ra mắt bạn đọc, Huỳnh Phước Huệ xin thôi làm việc cho một công ty nước ngoài với tiền lương khá ổn tại Sài Gòn để chỉ làm hướng dẫn viên du lịch của công ty du lịch ở Phú Quốc. Hàng ngày, dẫn du khách lên rừng, xuống biển giúp anh khám phá được nhiều hơn những bí ẩn của đảo. Những gốc cây khô ven rừng, những hòn đá bị thời gian và sóng nước bào mòn, những vỏ ốc rải rác trên nền cát trắng, rồi thực vật cổ đại hóa thạch, gốm sứ vớt được từ con thuyền đắm ngoài Cửa Cạn... hút hồn để anh trở thành nhà sưu tầm hiện vật. Mười năm sưu tầm, Huỳnh Phước Huệ có hẳn một bảo tàng Cội Nguồn với hàng ngàn hiện vật giới thiệu được khá trọn vẹn về lịch sử hình thành, văn hóa và những nét chính về lịch sử cận đại đảo Phú Quốc.

Bảo tàng Cội Nguồn với diện tích hơn 40.000m2, là một cơ sở bán quà lưu niệm cho du khách, trưng bày các hiện vật về rừng, biển, văn hóa, du lịch của địa phương, tọa lạc tại số 149 Trần Hưng Đạo, khu phố 7, thị trấn Dương Đông - Phú Quốc, thuộc loại hình trưng bày tổng hợp, giới thiệu về lịch sử tự nhiên và xã hội đảo Phú Quốc, được thiết kế thành nhiều mảng, tạo nên không gian hài hòa với một khung cảnh đa dạng. Đến nay, cơ sở có hơn 2.000 hiện vật, trong đó Hội đồng thẩm định cổ vật của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Kiên Giang, đã xác định và công nhận 1.120 cổ vật. Bộ rìu đá tại vùng Cửa Cạn được xác định có niên đại khoảng 3.500 năm. Ngoài ra, còn có những bộ sưu tập gốm Việt Nam thế kỷ VII, VIII, gốm thời Lý, Trần và gốm Thái Lan, Trung Quốc có từ những thế kỷ XV, XVI… Những cổ vật, hiện vật này nói lên nét sinh hoạt vào thời vàng son của các triều đại phong kiến, của con người Phú Quốc mang theo những giá trị lịch sử, nghệ thuật và khoa học lớn. Đó chính là sự kết tinh của trí tuệ, thấm máu và mồ hôi của dân tộc qua hàng nghìn năm lịch sử.

Bảo tàng Cội Nguồn Phú Quốc được đầu tư xây dựng với các thiết chế, khu chức năng gồm: Nhà Bảo tàng 5 tầng trưng bày với 1.266m2, nhà trưng bày mỹ nghệ lũa gổ 459m2, nhà trưng bày hàng mỹ nghệ ốc biển 675m2, khu quà lưu niệm, sản phẩm ngọc trai 450m2, nhà sàn truyền thống vùng nông thôn Phú Quốc 146m2, nhà thờ họ tộc, tín ngưỡng dân gian 99m2, kho lưu trữ 316m2, khu bảo tồn chó xoáy, đại bàng biển, ó biển - những loài trong sách đỏ - 2.000m2, phần còn lại là khu trưng bày hiện vật ngoài trời và các hoạt động khác.

…Hai bộ sưu tập gây ấn tượng mạnh với tôi là mẫu hóa thạch của thực vật cổ đại và một số lượng lớn hiện vật sành sứ - đồ vớt trên con thuyền bị đắm ở Cửa Cạn hàng trăm năm trước. Những mẫu vật thực vật cổ đại hóa thạch có tuổi chừng 250 triệu đến 300 triệu năm, là chứng chỉ thời gian về bề sâu kiến tạo tự nhiên của hòn đảo phía Tây. Hóa ra, trước cuộc bể dâu vài trăm triệu năm trước, Phú Quốc đã là một vùng rừng đại thụ. Và sau bể dâu, thiên nhiên lại trả lại cho hòn đảo vẻ đẹp rừng tự nhiên vốn có của nó.

… Hàng trăm chiếc chum sành mới được trục vớt từ con thuyền gặp nạn ở Cửa Cạn được trưng bày trên tầng năm của nhà trưng bày Cội Nguồn kể nhiều về Phú Quốc như một biên niên từ nhiều thế kỷ trước, ngay trong hoàn cảnh chiến tranh, Phú Quốc vẫn là nơi giao thương với các nước Đông Nam Á.

Cội Nguồn giành những gian trưng bày các trị văn hóa gắn liền với các nhân vật lịch sử dựng nước và gữ nước trên vùng đất địa đầu Tây Nam tổ quốc như Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích, Nguyễn Trung Trực, Gia Long... Những hóa thạch kể về bề dày thời gian kiến tạo tự nhiên, những con người lịch sử kể về dày văn hóa và lòng yêu nước... Theo các hướng dẫn viên của bảo tàng thì 90% du khách đến Phú Quốc đã ghé thăm Cội Nguồn. Đó có thể không chỉ là sự hấp dẫn của một địa chỉ văn hóa, mà còn là một địa chỉ thỏa mãn nhiều nhu cầu của du khách như mua sắm đặc sản mỹ nghệ Phú Quốc và có cơ hội nhìn ngắm những động vật thiên nhiên hoang dã và quý hiếm đang được Huỳnh Phước Huệ thuần dưỡng. Bảo tồn các giá trị nhân văn để kinh doanh đó cũng là ý tưởng của một doanh nhân làm giàu bằng văn hóa.

H.Đ.C

HÀ ĐÌNH CẨN