Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, bão Ketsana là một trong những cơn bão mạnh nhất trong vòng 40 năm qua tại Việt Nam (cường độ gió cấp 12, giật cấp 14-15).
Cơn bão đã đổ bộ vào 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi trưa 1/10/2009, vùng ảnh hưởng của gió mạnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, gồm các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum, gây thiệt hại rất lớn cho các tỉnh này.
Do trước bão đã có mưa rất to ở vùng bị ảnh hưởng nên tình trạng lũ trên các sông ở miền Trung và Tây Nguyên lên rất nhanh và ở mức cao xấp xỉ lũ lịch sử, một số sông vượt lũ lịch sử như ở Trà Bồng (Quảng Ngãi), sông Pôkô và Đăkbla (Kon Tum).
Nhờ công tác thông báo bão chính xác, cảnh báo và dự báo sớm (khi bão còn ở phía Đông Philippines) trên các phương tiện thông tin đại chúng, cộng với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ nên mức độ thiệt hại do bão gây ra đã được giảm thiểu.
Các lực lượng đã hướng dẫn kịp thời cho 46.500 tàu thuyền với gần 194.000 lao động di chuyển phòng tránh, sắp xếp được 40.700 tàu thuyền neo đậu vào nơi an toàn, sơ tán di dời 103.000 hộ dân với 257.000 người.
Tuy vậy, bão Ketsana đã cướp đi sinh mạng của 163 người chết, làm 11 người mất tích và 629 người bị thương; 21.600 nhà bị sập, trôi; 258.000 nhà hư hại và 294.700 nhà bị ngập.
Ngoài ra bão lũ còn gây rất nhiều thiệt hại về nông nghiệp, thủy sản, giao thông, điện, thủy lợi... với tổng thiệt hại ước tính 14.014 tỷ đồng.
Chính phủ đã hỗ trợ khẩn cấp 460 tỷ đồng và 10.000 tấn gạo cho các vùng bị thiệt hại. Các ban, ngành từ Trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp đã tổ chức quyên góp hỗ trợ nhân dân vùng bị ảnh hưởng bởi bão lũ.
Công tác khắc phục thiên tai đã và đang được các cơ quan từ Trung ương đến địa phương tập trung giải quyết với nỗ lực cao nhất, như hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nước uống và nhu yếu phẩm, tu sửa nhà cửa, trường học, trạm y tế, công trình công cộng; xử lý vệ sinh môi trường, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân vùng bão lũ.
Đồng thời, các đơn vị khẩn trương xử lý ách tắc giao thông, công trình cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc, khôi phục các hoạt động sản xuất công nghiệp, dịch vụ; khôi phục các công trình thủy lợi, chuẩn bị cung cấp giống cho nhân dân phục hồi sản xuất vụ Đông.
Hiện mưa lũ tại miền Trung vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là đã xuất hiện cơn bão số 10 (bão Parma) rất mạnh.
Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã gửi Công điện tới các tỉnh, thành phố ven biển và các bộ, ngành chức năng yêu cầu cần phải chuẩn bị kế hoạch khả thi để sẵn sàng ứng phó với bão, lũ có thể xảy ra trong thời gian tới./.

A. Hoàng