Bảo lãnh vay vốn giúp CCB giảm nghèo, làm kinh tế giỏi: Kinh nghiệm ở Cần Thơ
Đồng chí Huỳnh Thanh Phương - Chủ tịch Hội CCB T.P Cần Thơ giới thiệu với các đại biểu mô hình trồng cam thoát nghèo của CCB Nguyễn Văn Út - Chủ tịch Hội CCB phường Phú Thứ, quận Cái Răng.
Hội CCB T.P Cần Thơ đang là điển hình về tạo điều kiện cho vay vốn phát triển kinh tế, giúp cho những hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên làm giàu chính đáng.
Đầu năm 2019, Hội CCB T.P Cần Thơ mở Hội thảo đầu bờ “Nhân rộng mô hình CCB giúp nhau giảm nghèo làm kinh tế giỏi” tại phường Trung Nhứt, quận Thốt Nốt với 120 hội viên tham dự. Quá nửa số hội viên tham dự phát biểu… Và vấn đề nổi cộm rút ra tại Hội thảo là muốn làm giàu phải có vốn.
Cầu hỏi “tiền đâu”? trở thành nhiệm vụ của các cấp hội để giúp hội viên nghèo có vốn sản xuất, phát triển kinh tế.
Năm 2019, thành Hội Cần Thơ phối hợp với Liên minh HTX mở 2 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, xã Trường Long, huyện Phong Điền cho 148 cán bộ, hội viên.
Để có vốn tưởng khó, nhưng không phải - nếu các cấp Hội đứng ra bảo lãnh với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) để vay cho hội viên. Khó nhất lại là ở khâu thẩm định để “bảo lãnh đúng người cần vốn sản xuất” và chỉ có như thế mới không “vỡ nợ”.
Ngay sau hội thảo, các cấp Hội phân công nhau đến từng gia đình hội viên nghèo để tìm hiểu: Vì sao nghèo, có thoát được nghèo không… Lên danh sách những trường hợp nghèo do thiếu vốn sản xuất, kinh doanh để Hội đứng ra bảo lãnh để vay vốn. Chỉ sau một thời gian ngắn, kết quả đã huy động được tới gần 16 tỷ đồng, trong đó vốn nội bộ là gần 5 tỷ đồng, giúp 368 lượt hội viên vay (tăng 291,5 triệu đồng); vốn giúp nhau không lãi là hơn 8,2 tỷ đồng, giúp 439 lượt hội viên vay (tăng gần 513 triệu đồng); vốn giúp nhau lãi thấp gần 2,5 tỷ đồng, giúp 295 lượt hội viên vay (tăng 339 triệu đồng). Dư nợ Ngân hàng CSXH là hơn 246,5 tỷ đồng (tăng hơn 29 tỷ đồng, đạt 13,4%) có 200 tổ, với 8.586 hộ vay; nợ quá hạn 325 triệu đồng (tỷ lệ 0,13%) xóa xã trắng 8/31 xã bằng 25,8% (chỉ tiêu 0,5% T.Ư Hội giao). Gửi tiết kiệm thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn có 200/200 tổ, đạt 100%; số tiền gần 20 tỷ đồng; tỷ lệ hộ gửi đạt 97,6% (tăng gần 4,3 tỷ đồng)…
Thật là một lượng vốn mà xưa nay chưa ai nghĩ đến có thể huy động được để giúp hội viên xóa nghèo. Biết được hạn chế lớn nhất của hội viên “ra biển lớn kinh doanh” là thiếu hinh nghiêm, thành Hội đã chăm lo phát triển kinh tế tập thể, để hội viên có điều kiện học hỏi kinh nghiêm lẫn nhau, theo hình thức liên kết nhóm; đồng thời tổ chức dạy nghề cho 32 cháu và con của hội viên CCB, giới thiệu cho 365 cháu có việc làm từ các dự án lao động, 24 CQN có việc làm…
Kết quả đến nay Hội CCB T.P Cần Thơ có 39 doanh nghiệp, 9 HTX, 70 tổ hợp tác, 7 trang trại, 149 gia trại, tất cả đều hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, góp phần giải quyết tốt việc làm tại địa phương và tăng thu nhập cho hội viên.
Hội viên CCB Đặng Thanh Xuân, xã Thới Hưng phấn khởi nói: “Nhờ có vốn tôi mở rộng sản xuất thực hiện xen canh nuôi cá xen trồng ổi, rồi trồng mận thu nhập gần 500 triệu đồng/năm và ngày càng khá lên, đó là nhờ Hội CCB xã, huyện giúp đở về nguồn vốn và đặc biệt là nhiệt tình hướng dẫn cách làm ăn, nên tôi mới khá như vậy ”
Đồng chí Huỳnh Thanh Phương - Chủ tịch Hội CCB T.P Cần Thơ cho biết: Từ khi “gỡ” được “nút rối” do thiếu vốn phong trào xóa đói giảm nghèo của các cấp hội trở nên sôi động. Kết quả, hội viên khá, giàu ngày càng tăng, điển hình: Năm 2019 xóa được 16/16 hộ nghèo (đạt 100%); 59/59 hộ cận nghèo (đạt 100%). Hiện nay, toàn Hội còn 20 hộ thuộc diện bảo trợ xã hội, 89 hộ cận nghèo (0,76%), có 67/85 phường, xã không còn hội viên nghèo (đạt 78,82%). Năm 2020, Hội phấn đấu quản lý sử dụng tốt nguồn vốn vay, giảm tỷ lệ nợ quá hạn xuống dưới 0,2%. giúp cho hội viên tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất, chăn nuôi; tăng cường vận động các nguồn vốn giúp nhau không lãi hoặc lãi thấp để phát triển kinh tế hộ gia đình”.
Trần Hiếu