Bảo hiểm BIC Bắc Bộ: Nghi án gây “khó dễ” cho khách hàng bảo hiểm?
Gây “khó dễ”...
Theo đơn và hồ sơ tài liệu, Công ty TNHH & Du lịch Đông Đô (trụ sở tại TP. Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) có tham gia ký kết Hợp đồng bảo hiểm tàu Đức Minh 555 tại Công ty Bảo hiểm BIDV Bắc Bộ (BIC Bắc Bộ) từ ngày 13-11-2014 với thời hạn bảo hiểm 1 năm.
Khoảng 19 giờ, ngày 6-5-2015, tại km64 sông Đáy (địa phận xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình), tàu Đức Minh 555 có xảy ra va chạm với tàu vỏ xi măng của ông Đặng Văn Khanh đang neo đậu bốc hàng. Hậu quả là tàu của ông Khanh bị vỡ và chìm nghỉm, thiệt hại cơ số hàng hóa đang bốc dỡ.
Ngay sau tai nạn xảy ra, Công ty TNHH & Du lịch Đông Đô (Công ty Đông Đô) đã thông báo cho BIC Bắc Bộ biết sự việc để phối hợp giải quyết.
Chiều ngày 7-5-2015, cán bộ BIC Bắc Bộ mới đến hiện trường ghi nhận sự việc. Phía Công ty Đông Đô sau đó thường xuyên phối hợp cung cấp giấy tờ liên quan đến tàu Đức Minh 555 vận chuyển hàng hóa và trao đổi, thực hiện theo hướng dẫn của BIC Bắc Bộ.
Mặc dù vậy, không hiểu sao, đến ngày 12-10-2015, BIC Bắc Bộ có Công văn số 131 cho rằng tàu Đức Minh 555 chở quá trọng tải hàng hóa cho phép nên không thuộc trách nhiệm bồi thường của BIC Bắc Bộ?
Tìm hiểu của PV, quá trình giải quyết BIC Bắc Bộ đã thuê một công ty giám định xác định tàu có chở quá trọng tải. Điều đáng nói, Công ty giám định cũng chỉ căn cứ độ mớn nước từ bản ảnh chụp để xác định tàu Đức Minh 555 chở quá trọng tải mà không thấy căn cứ vào hồ sơ vận chuyển hàng hóa.
Cụ thể, tàu Đức Minh 555 được Cảng vụ đường thủy nội địa Ninh Bình cấp Giấy phép rời cảng vào vào 15 giờ ngày 5-5-2015 để chở hàng hóa đến cảng ở Quảng Nam. Loại hàng hóa vận chuyển là clinke, số lượng 1.767 tấn/1.801 tấn tổng trọng tải hàng hóa tàu Đức Minh được phép vận chuyển.
Trao đổi với PV, doanh nhân CCB Phạm Đức Minh-Phó giám đốc Công ty Đông Đô cho biết, BIC Bắc Bộ đang gây “khó dễ” cho Công ty Đông Đô trong việc trả tiền bảo hiểm theo hợp đồng hai bên đã ký.
Lý do mà họ đưa ra là căn cứ vào ảnh chụp mớn nước của tàu Đức Minh, cho rằng tàu chở quá trọng tải để từ chối bảo hiểm là vô lý.
Theo CCB Minh, việc BIC Bắc Bộ mời công ty giám định khi không có ý kiến của Công ty Đông Đô là không đảm bảo tính khách quan của kết quả giám định.
Thêm nữa, cơ sở nào khẳng định bản ảnh giám định là ảnh của tàu Đức Minh 555, vì thời điểm xảy ra tai nạn, các thuyền viên trên tàu có mặt, khi chụp ảnh, tại sao không lấy xác nhận các thuyền viên khi cán bộ của BIC Bắc Bộ tiến hành chụp ảnh hiện trường?
“Tôi nghi ngờ rằng đây là chứng cứ giả, ngụy tạo để tạo điều kiện cho BIC Bắc Bộ tước bỏ quyền lợi chính đáng của người tham gia bảo hiểm. Bởi lẽ, bản ảnh này chụp ngày nào, vào giờ nào, vào giây thứ bao nhiêu? Thời điểm chụp thì xác định thủy triều lên xuống như thế nào khi mà đoạn xảy ra tai nạn thuộc khúc cong, có sóng lớn hay không, có tàu thuyền chạy qua tạo thành sóng hay không-CCB Minh đặt câu hỏi?
Bảo hiểm và cơ quan chức năng nói gì?
Trả lời PV Báo CCB Việt Nam, ông Nguyễn Minh Đức-Giám đốc BIC Bắc Bộ nói: Xác định tàu chở quá tải trọng hàng hải bao gồm 2 căn cứ: 1 là trên giấy tờ xếp hàng xuống tàu. Theo giấy phép rời cảng là chở 1.767 tấn/1.801 tấn, tàu hoàn toàn nằm trong tải trọng cho phép. Tuy nhiên, do đặc thù của hoạt động vận tải tại Việt Nam, đôi khi giấy tờ đưa ra chưa hoàn toàn đã là lượng hàng hóa chở trên tàu (?). Đây không phải vấn đề quản lý mà chỉ là kinh nghiệm trong giải quyết hàng hải tại các công ty bảo hiểm đã đưa ra nhận định như vậy. Cho nên, yếu tố thứ 2 để xác định tàu có vượt tải trọng hay không là xác định dựa vào mớn nước. Khi đóng tàu, các nhà thiết kế đã tính toán. Cân 1 con tàu lớn rất khó. Nên họ sử dụng vạch mớn nước vạch trên thân tàu, nếu nước nằm dưới mớn nước là tàu chở trong trạng thái cho phép, nếu trên là bị quá tải.
Tuy nhiên, khi được hỏi, cán bộ của BIC Bắc Bộ có chụp vòng tròn kiểm định của tàu Đức Minh 555 hay không, có chụp phần đầu tàu, phần đuôi tàu và chụp trạng thái toàn bộ tàu không? Các bản ảnh này có không thì ông Đức không cung cấp được cho PV.
Theo hồ sơ, thì chỉ có khoảng 7 đến 8 ảnh chụp lưu ở hồ sơ vụ án, nhưng không thấy ảnh chụp đầy đủ các góc cạnh. Chủ yếu ảnh chụp phần vết va chạm và vạch mớn nước...
Trong khi đó, trao đổi với PV, Trung tá Phạm Văn Nội-Đội trưởng CSGT Công an huyện Yên Khánh cho biết, phía công an xác định tàu Đức Minh 555 không chở quá trọng tải cho phép. Thời điểm xảy ra tai nạn là vào mùa mưa, tàu đi vào đoạn sông cong và tác động của dòng chảy mạnh dẫn đến không nghe lái, nên đâm vào thuyền xi măng.
Được biết, do “cù nhầy” không chịu làm thủ tục thanh toán bảo hiểm cho khách hàng, ngày 2-11-2015, Công ty Đông Đô đã có đơn khởi kiện ra Trung tâm trọng tài kinh tế Việt Nam để giải quyết. Đến thời điểm này phía Trọng tài kinh tế Việt Nam vẫn chưa đưa ra xét xử.
Báo CCB Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
Doanh Chính