Bao giờ Trung Quốc “điều” tên lửa ra Trường Sa của Việt Nam?
Cuối tháng 9-2015, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa, Tập Cận Bình đã tới thăm Hoa Kỳ. Sau cuộc hội đàm với Tổng thống Barack Obama, đứng trước công luận rộng rãi phản đối việc Trung Quốc ra sức bồi đắp các bãi đá chiếm của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa thành các hòn đảo nhân tạo, ông Tập Cận Bình phải có cuộc họp báo để trấn an dư luận: "Những hành động xây dựng của Trung Quốc đang triển khai ở Nam Sa không nhằm vào hay làm ảnh hưởng đến bất kỳ quốc gia nào và Trung Quốc không có ý định theo đuổi hành động quân sự hóa trên Biển Đông..."
Tới đầu tháng 11-2015, sang thăm Việt Nam, ông Tập Cận Bình chủ động cam kết thực hiện phương châm 16 chữ với tinh thần “4 tốt”, cùng nhau kiểm soát bất đồng, duy trì hòa bình trên biển, 2 nước xuất phát từ đại cục để xử lý bất đồng.
Theo yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông nhất trí Trung Quốc không quân sự hóa Biển Đông (như đã cam kết trong cuộc họp báo ở Hoa Kỳ)...
Sang năm 2016, đúng vào những ngày Hội nghị Cấp cao đặc biệt Hoa Kỳ-ASEAN đang họp tại bang California nhằm thống nhất lập trường chống quân sự hóa biển Đông, bảo vệ luật pháp và trật tự quốc tế, bảo đảm tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông theo đúng Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển năm 1982, không trái với những lời tuyên bố của nguyên thủ quốc gia Tập Cận Bình thì Trung Quốc cho điều 2 khẩu đội tên lửa HQ9 gồm 16 bệ phóng cùng hệ thống ra-đa bám sát mục tiêu, ra đảo Phú Lâm-nơi mới thành lập "TP. Tam Sa" để quản lý cả 3 quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), Nam Sa (Trường Sa) chiếm đóng của Việt Nam và Đông Sa (tranh chấp với Đài Loan, tiến hành diễn tập, bắn đạn thật để biểu dương uy lực.
Tên lửa HQ9, được Trung Quốc đặt tên là Hong Qi 9, thuộc hệ thống tên lửa tối tân thế hệ 4 sản xuất theo mẫu tên lửa S.300 thế hệ mới của Nga, có tầm bắn tới 200km, là hệ thống vũ khí phòng thủ hiện đại nhất mà Trung Quốc điều tới Hoàng Sa nhằm kiểm soát và khống chế mọi hoạt động hàng không trên Biển Đông.
Ngay sau đó, Giám đốc Viện nghiên cứu Biển Đông quốc gia Trung Quốc, Ngô Sĩ Tôn công khai khẳng định: "Những kinh nghiệm rút ra từ quá trình tăng cường hiện diện ở Hoàng Sa có thể được áp dụng cho Trường Sa", được Hoàn Cầu thời báo phụ họa với luận điệu: "Bắc Kinh cần tăng cường tự vệ ở Biển Đông...".
Trước hành động ngang ngược của Trung Quốc, ngày 19-2-2016, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm cho Đại sứ quán Trung Quốc, đồng thời gửi tới Liên Hiệp quốc, phản đối việc các nhà cầm quyền Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa hòn đảo chiếm đóng trái phép, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Việc làm của Trung Quốc đã lập tức thu hút sự bình luận xôn xao của dư luận quốc tế: Chuyên gia về Biển Đông tại Viện ISEAS Yusof Ishak ở Singapore, ông Ian Story "Tin rằng các vũ khí tương tự sẽ được Trung Quốc triển khai tới các đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa trong vòng 1, 2 năm tới", còn chuyên gia phân tích quân sự tại Trung tâm nghiên cứu An ninh và Quốc tế ở Washington Bonnie Glaser thì cho rằng "Sự hiện diện của các trạm ra-đa, các chiến đấu cơ và mới đây nhất là các khẩu đội tên lửa trên Hoàng Sa sẽ là tiền đề cho những hành động tương tự tại các đảo Trung Quốc chiếm phi pháp ở Trường Sa". Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry phải công khai tuyên bố: "Có nhiều bằng chứng mỗi ngày để chứng minh sự tăng cường quân sự hóa dưới các hình thức khác nhau mà Trung Quốc đang thực hiện trên Biển Đông và bày tỏ quan ngại sâu sắc về vấn đề này".
Với lối bang giao "nói một đằng làm một nẻo" - phớt lờ dư luận đó thì việc Trung Quốc đưa tên lửa ra các đảo chiếm dụng trái phép của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa có lẽ chỉ còn là thời gian!
Thiếu tướng, GS Bùi Phan Kỳ