Theo quy định pháp luật hiện hành, việc kê khai tài sản, thu nhập phụ thuộc vào tính tự giác của người kê khai. Sau đó, các bản kê khai tài sản, thu nhập chủ yếu là do các đơn vị về tổ chức cán bộ phụ trách và... để đó. Vì thế, người kê khai như thế nào, đúng hay sai, cơ bản không có ai kiểm tra xem có trung thực hay không, chỉ khi nào xảy ra việc hoặc công luận phản ánh thì cơ quan chức năng mới vào cuộc. Và thậm chí cả khi ấy, những lời giải thích nhận được cũng không mấy thỏa đáng. Có người giải thích rằng: khối tài sản “khủng” của họ hình thành từ vay ngân hàng, vay bạn bè, làm giàu từ... nuôi lợn.
Việc xác minh sự hình thành tài sản của một người không khó. Nếu đó là tài sản do kinh doanh thì cần có một quá trình hoạt động thể hiện qua sổ sách kế toán. Nếu vay mượn thì phải có chứng từ... Vấn đề là khâu kiểm soát thu nhập cán bộ thuộc diện kê khai tài sản, thu nhập ở ta chưa được thực hiện một cách chặt chẽ và thiếu tính chuyên nghiệp.
Cuộc chiến chống tham nhũng đang diễn ra rất quyết liệt với quyết tâm lớn của Đảng, Chính phủ và thu hút sự quan tâm của nhân dân. Tuy nhiên, để cuộc chiến ấy thực sự hiệu quả, làm trong sạch bộ máy công quyền, việc kê khai tài sản, thu nhập cần được “quan tâm” hơn, được giám sát chặt chẽ hơn, để từ đó phát giác những cán bộ sở hữu những khối tài sản bất minh và xử lý. Để từ đó ngăn chặn từ gốc những cán bộ có ý định tham nhũng.
Huy Đăng