Bao giờ AI thay được người lính trên chiến trường?
Sự phát triển của AI đang mở ra kỳ nguyên mới của các loại vũ khí, khí tài quân sự tự nhân thức và phản ứng với điều kiện chiến trường.
Theo đánh giá của Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế London (IISS), trí thông minh nhân tạo (AI) đang được kỳ vọng sẽ thay đổi phương thức tác chiến quân sự truyền thống với những lợi thế mà con người không thể tưởng tượng. Mỹ hiện là một trong những quốc gia đi đầu trong việc nghiên cứu và tích hợp AI sâu vào các hệ thống chiến đấu với tham vọng tạo giữ vững vị trí siêu cường trong nhiều thập niên tới.
Tiềm năng
Chuyên gia phân tích Franz-Stefan Gady thuộc IISS cho biết, không khó để nhận ra những ứng dụng AI trong lĩnh vực quân sự của Mỹ. Cụ thể, Lầu Năm góc từng sử dụng hệ thống phần mềm ứng dụng thuật toán AI thuộc Project Maven trong các chiến dịch thu thập thông tin tình báo tại Cận Đông hay hệ thống điều phối hỏa lực trên hạm Aegis đã được ứng dụng AI để tăng khả năng nhận thức tình huống trong nhiệm vụ phòng thủ tên lửa…
Theo đánh giá của chuyên gia Franz-Stefan Gady, AI ứng dụng trong quân sự dựa trên nền tảng các thuật toán tăng tốc hoạt động dây chuyền kết nối giữa vũ khí và cảm biến dựa trên nền tảng điện toán đám mây hay Internet vạn vật. AI giúp giảm thời gian nhận biết tình huống chiến đấu trên chiến trường, cũng như quyết định tấn công chính xác các mục tiêu nguy hiểm tiềm năng. Nói cách khác, việc tích hợp sâu AI trong hệ thống chiến đấu giúp nâng cao hiệu quả chiến đấu từ những cấp nhỏ nhất để tạo ưu thế và có thể giành chiến thắng trên chiến trường.
Trong các cuộc tập trận thử nghiệm mới đây, giới chức quân sự Mỹ đã ghi nhận việc một trung đội chiến đấu được hỗ trợ bởi công nghệ AI có khả năng đối phó với lực lượng áp đảo tới 10 lần. Đây là con số có thể thay đổi cục diện chiến trường, cũng như thế hiện việc máy móc thông minh có thể thay thế một phần vai trò của người lính trên chiến trường.
Không dừng ở cấp độ chiến đấu người lính, AI còn được ứng dụng để điều khiển các hệ thống phức tạp hơn. Điểm mạnh của AI so với con người là khả năng nhận biết và phản ứng với các tình huống phức tạp nhanh và chính xác hơn. AI có thể phân tích và nhận diện ra các mối nguy cơ tiềm năng nhanh chóng giúp cấp chỉ huy có những động thái quân sự kịp thời và hiệu quả. Không quân Mỹ từng nhiều lần thử nghiệm AI trong tác chiến ở cấp độ chỉ huy và chứng minh hiệu quả trong tác chiến ngăn chặn A2/AD hoặc nhận diện và tấn công phủ đầu chính xác cao.
Với sự ra tích hợp của AI, Lầu Năm góc đã đưa ra thuật ngữ mới là All-Domain Maneuver Warfare (tạm dịch: Tác chiến cơ động đa miền) để miêu tả tiềm năng chưa thấy điểm kết của công nghệ mới. Theo đánh giá của giới chức quân sự Mỹ, tác chiến cơ động đa miền nhằm mục tiêu khiến đối phương sớm kiệt quệ về thể chất và tinh thần; khai thác tối đa điểm yếu về tung các đòn tấn công hiệu quả với thiệt hại tối đa… Hình thái tác chiến này có nhiều nét giống với chiến thuật “Chiến tranh chớp nhoáng” phát xít Đức từng áp dụng thành công trong thời kỳ đầu Thế chiến 2 hay học thuyết Không - bộ được Mỹ và đồng minh sử dụng trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991.
Điểm mạnh cũng là điểm yếu
Tham vọng tích hợp và làm chủ công nghệ AI chính là một mặt của chiến tranh thông tin và ưu thế trên không gian mạng của Mỹ. Tuy nhiên, lợi thế của AI là kiểm soát thông tin nhanh chóng và hiệu quả, thì yếu điểm của nó cũng nằm ở chính lĩnh vực này, cũng như sự chưa sẵn sàng của quân đội Mỹ với học thuyết tác chiến hoàn toàn mới.
Điểm quan trọng nhất là sự chuyển đổi mô hình của các đơn vị chiến đấu của quân đội Mỹ chưa thể tương thích với việc tích hợp công nghệ AI. Phần lớn quân đội Mỹ vẫn theo mô hình tác chiến tiêu hao truyền thống. Bất kỳ thay đổi nào đều cần thời gian để tái cấu trúc. Sẽ mất nhiều năm nữa, công nghệ AI mới đi tới “ngõ ngách” của quân đội Mỹ.
Để các hệ thống AI hoạt động hiệu quả, chúng cần được hoạt động trên một nền tảng phần cứng và phần mềm hợp nhất. Trong các thử nghiệm của Cơ quan Các dự án tương lai (DARPA), thuộc Lầu Năm góc, AI được sử dụng để hợp nhất 250 hệ thống chiến đấu trên một nền tảng hợp nhất. Tuy nhiên, sự phối hợp này đã bộc lộ nhiều yếu điểm. Việc các hệ thống chiến đấu không có một chuẩn kết nối và chia sẻ thông tin hợp nhất khiến công tác chỉ huy gặp khó khăn và thiếu hiệu quả kể cả có sự hỗ trợ của AI. Khắc phục vấn đề này sẽ không phải là điều dễ dàng với quy mô đồ sộ của quân đội Mỹ.
Một điều quan trọng khác là AI lấy nền tảng mạng kết nối, chia sẻ thông tin hợp nhất với sự tương đồng giữa các hệ thống thành viên để hoạt động, thì khi bị tin tặc tấn công hoặc can nhiễu sẽ khiến hiệu quả hoạt động giảm đáng kể, thậm chí là bị tê liệt hoàn toàn. Các nghiên cứu của Ủy ban Khoa học thuộc Lầu Năm góc công bố năm 2017 cho biết, phần lớn các hệ thống vũ khí của quân đội Mỹ, bao gồm cả vũ khí hạt nhân chiến lược đều rất dễ tổn thương trước các đòn tấn công mạng. Như vậy, để AI hoạt động hiệu quả cần có hệ thống an ninh và phòng thủ mạng mạnh mẽ và đáng tin cậy. Đó là điều gần như bất khả thi ở thời điểm hiện tại.
Như vậy, việc tích hợp công nghệ AI của quân đội Mỹ ở thời điểm hiện tại nhiều khả năng chỉ đáp ứng vai trò hỗ trợ thông qua việc giảm thời gian phản ứng của các đơn vị chiến đấu. Việc AI có khả năng thay đổi chiến trường tương lai như kỳ vọng của quân đội Mỹ hay không vẫn dừng ở mức tiềm năng và sẽ cần nhiều thập niên thử nghiệm và hoàn thiện nữa mới có thể khẳng định…
Kim Ngân (tổng hợp)