Báo động “đỏ” nạn bạo hành trẻ em

Thời gian gần đây, hầu như tháng nào dư luận cũng đón nhận những hình ảnh ghê người như cô giáo mầm non dùng dép, dùng muôi đánh liên tiếp vào đầu “con”, dùng đũa đánh vào hai bên đùi, dùng chân chà vào thân thể như rửa khoai hay tung trẻ mới vài tháng tuổi như thú bông...

Xót xa những vụ bạo hành trẻ em.

Trẻ từng bị bạo hành thường bị ảnh hưởng tâm lý và sự phát triển thể chất. Ở các em sẽ xuất hiện những biểu hiện tâm lý đặc trưng như cáu gắt, giận dữ, buồn chán, tự kỷ, sợ hãi, bạo lực... Nguy hiểm hơn, những di chứng sau khi bị bạo hành có thể theo các em đến suốt đời.

Những vụ việc bị phanh phui chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Bởi ở một nơi nào đó thiếu sự giám sát của cơ quan chức năng hay tại góc khuất camera, những mầm non vô tội vẫn chịu sự tra tấn của các “ác mẫu”. Khi sự việc được đưa ra ánh sáng, giáo viên đánh trẻ bị đình chỉ hoặc buộc thôi việc, cơ sở trông giữ trẻ vi phạm bị giải thể. Nhưng tất cả chỉ giải quyết phần ngọn và là câu trả lời muộn màng với các em và gia đình. Những vụ việc mới, đau lòng hơn lại vẫn xuất hiện khiến người ta day dứt.

Vấn đề là: Luật Trẻ em 2016 quy định 15 cơ quan có trách nhiệm bảo vệ trẻ em, nhưng đáng tiếc là các vụ việc buồn cứ tiếp diễn tháng này qua năm khác.

Luật sư Lại Văn Doãn (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng: Không thể nói chính quyền địa phương vô can khi bạo hành trẻ diễn ra trong cơ sở trông giữ trẻ đóng trên địa bàn. Còn theo ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) thì trách nhiệm nhiệm tuyên truyền, phổ biến pháp luật là của các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan báo chí. Tuy nhiên, vừa qua tuyên truyền chỉ thiên về chính sách pháp luật, báo chí đưa tin mạnh các vụ việc, nhưng kết quả xử lý lại chưa được chú trọng.

Thiết nghĩ, đã đến lúc cả hệ thống chính trị phải quyết liệt hành động. Tăng chế tài xử lý các giáo viên, cá nhân có hành vi bạo hành trẻ nhỏ; tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở hành nghề trông trẻ, loại bỏ các giáo viên không đủ điều kiện; nâng cao vị trí, vai trò của giáo dục mầm non trong hệ thống giáo dục - chương trình đào tạo cần khắt khe hơn, chuẩn mực hơn; mở thêm các trường mầm non công lập, tăng biên chế, tăng lương cho giáo viên mầm non để họ có thể yên tâm với nghề... Ngoài ra, việc cấp phép, quản lý của các địa phương, nếu để xảy ra vụ việc cũng phải xử lý.

Khôi Nguyên