Bảo đảm an sinh xã hội: Điểm sáng trong thực hiện chính sách

Bảo đảm an sinh xã hội là yêu cầu và điều kiện cần thiết của sự ổn định, phát triển đất nước, góp phần hiện thực hóa các quyền xã hội của mọi người dân. Việt Nam coi việc phát triển bảo đảm an sinh xã hội (BĐASXH), bảo đảm chất lượng sống cho người dân ngày càng được an toàn và cải thiện là nội dung, cách thức thiết thực nhất thực hiện các quyền xã hội của mọi người dân; đồng thời, cũng là động lực và mục tiêu xuyên suốt của sự nghiệp đổi mới đất nước
Từ 10 năm trở lại đây, Ngân sách Nhà nước chiếm hơn 51% tổng chi cho BĐASXH, bình quân khoảng 6,6% GDP/năm. Hằng năm, Nhà nước chi trợ cấp xã hội thường xuyên tới khoảng 2% dân số, trợ cấp đột xuất khoảng 0,5-0,6% GDP cho khắc phục hậu quả các vùng bị thiên tai. Khả năng tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân ngày càng được cải thiện cũng là một điểm nhấn trong BĐASXH ở Việt Nam. Theo thống kê, đến nay, khoảng 91% số người nghèo nhất đã được sử dụng điện lưới; hơn 85% số dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% số xã có trạm y tế, trong đó gần 80% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% số xã có đường giao thông đến trung tâm; gần 70% số xã có công trình thủy lợi nhỏ. Hàng nghìn nhà tình nghĩa và hàng trăm dự án nhà ở xã hội được triển khai trên toàn quốc, góp phần đáp ứng nhu cầu cho hàng triệu người dân thuộc đối tượng chính sách. Từ năm 2010, cả nước đã cơ bản hoàn thành phổ cập THCS với 100% số xã có đủ trường tiểu học, THCS. Tỷ lệ nhập học đúng độ tuổi ở bậc tiểu học là 97,7% và bậc trung học cơ sở là 87,2%. Mỗi năm, 1,8 triệu lao động được dạy nghề qua hệ thống 10 nghìn trường, trung tâm học tập cộng đồng và gần 700 trung tâm giáo dục thường xuyên. Các loại hình bảo hiểm cho người dân ngày càng mở rộng với sản phẩm ngày càng đa dạng. Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp ngày càng tăng và được hưởng các chế độ và quyền lợi kịp thời, đầy đủ, an toàn, đúng quy định.Tính đến nay, đã có hơn 60 triệu người tham gia BHXH, BHYT, Trong đó, BHXH bắt buộc đã thu hút được 20% lực lượng lao động và 70% đối tượng liên quan. BHXH tự nguyện thu hút được hơn 0,22% số lao động thuộc diện tham gia.
Với những nỗ lực nói trên, Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn tất cả các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đặt ra cho năm 2015, nên đã được Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực thế giới trao giải thưởng thành tích xuất sắc trong xóa đói, giảm nghèo. Bằng việc thông qua và triển khai Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Việt Nam phấn đấu đến năm 2020, hệ thống BĐASXH sẽ bao phủ toàn dân. Những chủ trương, chính sách, kết quả hoạt động thực tế và định hướng, mục tiêu phấn đấu nêu trên khẳng định sự nhất quán và những nỗ lực không mệt mỏi trong công tác BĐASXH của Việt Nam.
Khẳng định một điều: Việt Nam coi hệ thống BĐASXH đa dạng, có tính chia sẻ và hiệu quả theo chiến lược tổng thể quốc gia là sự nghiệp của toàn hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Vượt qua khó khăn, thách thức, hoạt động bảo đảm an sinh xã hội ngày càng được triển khai có hiệu quả, trở thành một điểm sáng trong thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước...
Kim Loan