Báo chí đồng hành với công nghệ
Theo nhà báo Lê Quốc Minh con đường báo chí đang đi chắc chắn đồng hành với công nghệ.
Trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023 đã diễn ra Hội thảo Trí tuệ nhân tạo AI và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn. Đây là diễn đàn để các chuyên gia, nhà báo, lãnh đạo các cơ quan báo chí cùng nhận diện các xu hướng trên thế giới, thảo luận về những câu hỏi hóc búa mà trí tuệ nhân tạo đang đặt ra, từ đó có những giải pháp nhằm định hướng sáng tạo nội dung cho từng nhà báo và ở mỗi cơ quan báo chí hiện nay.
Phát biểu tại Hội thảo, nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên T.Ư Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: Chuyển đổi số đã, đang là xu thế tất yếu diễn ra mạnh mẽ trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội hiện nay. Là lĩnh vực phản ứng nhạy bén với mọi biến động của đời sống kinh tế - xã hội, báo chí truyền thông cần đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Trước bối cảnh đó, báo chí phải chủ động đổi mới phương thức chuyển tải, mang đến những trải nghiệm mới cho bạn đọc thông qua các ứng dụng công nghệ số.
Theo nhà báo Lê Quốc Minh, trí tuệ nhân tạo (AI) đang đe dọa nguồn thu của báo chí. Đây là vấn đề sống còn của các cơ quan báo chí tại Việt Nam. “Nguy cơ chúng ta mất 50% lượng cập nhật từ công cụ tìm kiếm là rất rõ, kèm theo đó là mất tiền quảng cáo” - nhà báo Lê Quốc Minh cho hay.
Tại Hội thảo, các nhà báo, chuyên gia đều khẳng định, việc đầu tư trí tuệ nhân tạo là điều cần thiết. Nhà báo Lê Quốc Minh chia sẻ: “Hiện nay, nếu ai nói là không nên đầu tư vào AI thì thật sự rất tụt hậu. Năm 2017, chúng tôi bắt đầu nghiên cứu vào AI và đã bắt đầu áp dụng. Khi đưa ra tại Hội Báo toàn quốc cùng năm ấy, chúng tôi đưa chủ đề này ra nói và có một vài vị đã nói rằng chúng tôi đưa điều này ra còn xa xôi lắm, còn lâu trí tuệ nhân tạo mới vào Việt Nam. Ai ở đất nước chúng ta nghĩ những gì xảy ra ở thế giới thì 5 năm, 7 năm nữa mới có ở Việt Nam? Hoặc ít ra thì là 2-3 năm nữa? Nhưng hiện giờ với ChatGPT, trên thế giới xảy ra thế nào thì ngay lập tức Việt Nam có như vậy. Vì vậy, việc đầu tư vào AI là điều vô cùng cần thiết. Mọi người cũng nên đầu tư rộng hơn, không phải chỉ đơn giản là có công cụ để viết bài mà còn có các điều khác nhau...”.
Cũng theo nhà báo Lê Quốc Minh, con đường báo chí đang đi chắc chắn đồng hành với công nghệ. “Công nghệ, trong đó có trí tuệ nhân tạo (AI), sẽ hỗ trợ cho làm được rất nhiều việc, giảm đi những công việc tủn mủn, mất nhiều công sức, làm đi làm lại. Nhưng ở góc độ sáng tạo, làm những thứ đòi hỏi cảm xúc, những công việc cụ thể hơn như phỏng vấn đối tượng, trong thời gian trước mắt trí tuệ nhân tạo vẫn chưa thể làm được, nhưng nó có thể trong tương lai. Do đó, cần kiểm soát AI để nó phục vụ công việc, cuộc sống của chúng ta thay vì lệ thuộc vào nó”.
Dẫn chứng thực tế từ một cơ quan báo chí khi ứng dụng AI và ChatGPT vào sản xuất sản phẩm báo chí, nhà báo Ngô Trần Thịnh - Đài Truyền hình T.P Hồ Chí Minh đã giới thiệu phóng sự viết bởi AI đầu tiên ở Việt Nam. Phóng sự nói nằm trong chương trình CafeTek - Cuộc sống tương lai, phát sóng thường kỳ trên HTV9, đã lên sóng vào giữa tháng 2-2023. Nội dung phóng sự nói về xu hướng AI tại Việt Nam. Các biên tập viên chương trình đã sử dụng AI để nó giúp làm kịch bản và viết nội dung kịch bản. AI đã đề xuất 5 phần chính trong kịch bản và tự viết hơn 500 chữ ở mỗi phần. Thậm chí nó còn đề xuất các chuyên gia công nghệ thông tin cụ thể để biên tập viên thực hiện phỏng vấn.
Nhà báo Ngô Trần Thịnh cho biết: “AI vẫn còn nhiều khuyết điểm khi thực hiện một bài báo phóng sự, như sử dụng từ ngữ chưa phù hợp, dùng từ còn cứng do máy học tổng hợp để đề xuất; chưa có yếu tố điểm nhấn và chưa có yếu tố con người...”.
Trong bài tham luận gửi tới Hội thảo, PGS,TS Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng: Các phần mềm ứng dụng AI dù có nhiều tính năng vượt trội, nhưng xét đến cùng, đó cũng chỉ là một công cụ mà nhà báo phải học cách để làm chủ nó, sử dụng nó phục vụ cho hoạt động tác nghiệp của mình nhằm tạo ra tác phẩm, sản phẩm báo chí theo nguyên tắc của nghề nghiệp. “Chúng có thể là công cụ đắc lực cho công tác biên tập, sản xuất báo chí tự động, nhưng nó không thể thay thế lao động sống của nhà báo tại hiện trường. Chúng cũng không có nhạy cảm chính trị, không có lý tưởng, không có tính nhân văn, hoàn toàn không có trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí” - PGS. TS. Đỗ Thị Thu Hằng khẳng định.
Do đó, để làm chủ và sử dụng được công cụ số nói chung và các phần mềm ứng dụng AI nói riêng, mỗi nhà báo Việt Nam càng phải trau dồi năng lực và phẩm chất của một nhà báo cách mạng, học hỏi, thảo luận để có thể làm chủ công nghệ, chứ không để công nghệ dẫn dắt và làm chủ chúng ta.
Vũ Minh