“Bao cấp” ở Bộ Công thương!
Khi phóng viên hỏi thì người phụ trách cửa hàng giải thích một cách chống chế là hưởng ứng chủ trương của Bộ Công thương trong việc “Nhận diện hàng Việt”!
Bản chất thì không phải thế, mà là muốn kêu gọi khách hàng hãy mua “xăng Việt”…
Đó chính là tư duy bao cấp.
Lẽ ra ngay sau khi thấy cửa hàng bán xăng của người Nhật có những việc làm hết sức tận tình vì khách hàng thì Bộ Công thương phải tổ chức rút kinh nghiệm ngay để “dẹp” phong cách “bán hàng kiểu đuổi khách” ở các cửa hàng bán xăng của ngành lâu nay, như đã có hàng chục cây xăng bơm điêu bị khách hàng bắt quả tang. Không chỉ bơm điêu, họ còn pha nước vào xăng để bán. Điều này báo chí cũng đã phanh phui. Có lẽ cũng vì xăng rởm, nhiều xe máy, xe ô tô tự dưng bốc cháy đùng đùng. Chuyện xảy ra cũng mới đây thôi chắc ai cũng biết.
Trong khi đó cửa hàng xăng của Nhật thì ông chủ cửa hàng đứng giữa trời mưa, cúi gập đầu chào từng vị khách vào mua xăng; hơn thế lúc bơm xăng, hai nhân viên của họ với trang phục rất đẹp và lịch sự ra lau kính, lau xe miễn phí cho khách. Và điều đặc biệt nữa là họ cam kết với khách hàng, máy bơm xăng của họ chính xác rất cao, nếu có sai số thì cũng chỉ chênh lệch 0,01 lít!
Xăng trong cây xăng Nhật là xăng ta đấy chứ, có phải họ mang từ Nhật sang đâu. Họ chỉ làm dịch vụ. Xăng ta nhưng cách bán, cách ứng xử với khách hàng là của Nhật.
Hiện nay trên mạng xã hội có một số ý kiến, do kiến thức “lõm bõm” lại cho rằng “cái cúi đầu của ông chủ cửa hàng xăng là hình thức, không thật”. Chứng tỏ những người viết này đã không hiểu “Văn hóa Nhật”. Nếu ai có dịp sang đất nước “Mặt trời mọc” dự giờ học đầu tiên của năm học mới sẽ được chứng kiến cái cúi đầu “gập người xuống” của các cô giáo đón học trò buổi đầu tiên đến lớp. Hơn nữa cây xăng này dựng lên là để phục vụ cho các công ty Nhật, chứ có phải để “cạnh tranh” với cửa hàng xăng của Việt Nam đâu mà họ phải “làm phép”?
Sở dĩ các nước họ phát triển rất mạnh, vì họ có sự cạnh tranh lành mạnh, lại sòng phẳng và minh bạch. Chúng ta vẫn quen bao cấp, dù bây giờ không còn chế độ bao cấp nữa, nhưng vẫn còn độc quyền ở một số lĩnh vực. Nếu mất thế độc quyền thì lung lay ngay, nếu không nói là sẽ sụp đổ, không thể tồn tại được, vì cách quản lý của chúng ta rất kém, lối làm ăn lại chụp giật, nhiều khách hàng ta “mông muội”.
“Người Việt dùng hàng Việt”, là lời hiệu triệu rất quen thuộc của chúng ta. Có thời, chúng ta còn đẩy lên một nấc nữa: "Mua hàng nội là yêu nước".
Yêu nước là một phạm trù thuộc về tình cảm. Thậm chí đó là một tình cảm rất đỗi thiêng liêng. Còn mua hàng lại là chuyện nhỏ, rất cụ thể, tuân theo quy luật của giá trị sử dụng hàng hoá. Hai phạm trù này hoàn toàn khác nhau, nên không thể nhập nhèm được. Người ta có thể sẵn sàng xả thân vì sự sống còn của Tổ quốc, nhưng vẫn không thể mua hàng nội, nếu như đó là một món hàng kém chất lượng.
Tôi chợt nhớ ông Raxun Gamzatov - nhà thơ nổi tiếng thế giới, người Dagestan mà bạn đọc Việt Nam đã từng biết đến qua tập thơ "Những ngôi sao xa xôi" và tập văn xuôi đặc sắc "Đagestan của tôi" đã được dịch ra tiếng Việt. Raxun rất yêu đất nước của mình. Đi đâu ông cũng mang theo bên mình nắm đất quê hương. Để rồi không may, nếu có phải chết ở trên đường viễn du ở một quốc gia nào xa xôi (vì ông đi nhiều lắm) thì ông vẫn nằm trên mảnh đất quê hương mình.
Một người yêu nước được đến như thế kể cũng hiếm lắm. Tôi đã đến thăm cả ba căn nhà của ông. Một nhà ở Makhatkala Đagestan và hai nhà ở Matxcơva. Trong đó có một nhà ông tự bỏ tiền túi ra mua ở Matxcơva, để đón người nhà, đón bạn bè đồng nghiệp, còn một nhà do nhà nước phân vì ông là Đại biểu Xô-viết tối cao Liên Xô.
Căn nhà của nhà nước cho, ông tiếp các chính khách Xô-viết, các cử tri Xô-viết. Chỉ có điều, những hàng hoá vật dụng trong cả ba căn nhà sang trọng này, đều chẳng có cái gì của Đagestan, hay của Liên Xô và nói chung là của cả phe XHCN. Những thứ của Đagestan lại không thuộc về hàng hoá. Đó là nắm đất mà ba phần tư là đá và giờ Đagestan.
Mỗi nhà, Raxun có hai đồng hồ chỉ giờ khác nhau. Một cái chạy theo giờ Matxcơva. Một cái chạy theo giờ Đagestan. Giờ là giờ Đagestan, nhưng đồng hồ lại của Thụy Sĩ. Những vật dụng khác trong nhà cũng thế, chúng đều là hàng hoá của các nước tư bản. Nhưng không phải vì thế mà ta lại quy kết Raxun đã chạy theo “Tư bản giẫy chết”, phản bội lại Tổ quốc mình.
Tôi cũng như quý vị, và quý vị chắc cũng như Raxun. Chúng ta chỉ muốn dùng hàng hoá tốt. Còn hàng hoá ấy thuộc quốc gia nào thì chả có gì quan trọng. Hàng nội mà tốt, thì dù không quảng cáo, khuyến mại, họ vẫn cứ mua.
Trần Đăng Khoa