Bánh to - tư duy nhỏ
Nghe thì đúng là chuyện “vớ vẩn”. Nhưng đáng tiếc lại là chuyện thật. Và đề xuất này đã bị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch không đồng ý. Còn “dân mạng” thì được một phen đàm tiếu về nhận thức của cán bộ T.P Sầm Sơn, vừa không chấp hành Chỉ thị của Thủ tướng về tiết kiệm, chống lãng phí trong Lễ hội, vừa cho thấy họ thiếu hiểu biết đầy đủ về truyền thống Văn hóa nói chung, Văn hóa Tâm linh nói riêng của Dân tộc ta.
Giỗ tổ Hùng Vương là biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của Dân tộc Việt Nam và là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Chính vì thế Lễ hội Đền Hùng là dịp để giáo dục đạo đức, truyền thống, lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công lập nước cùng các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước và dựng nước; là dịp con cháu từ mọi miền đất nước trở về bày tỏ lòng biết ơn với những người đi trước.
Cũng xuất phát từ truyền thống, trong Nghi thức tưởng niệm các Vua Hùng, ngay từ năm 2009 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quy định rõ, đến nay còn nguyên giá trị: “Lễ phẩm bao gồm: Bánh dày 18 chiếc (dâng lên 18 đời Vua Hùng) - Bánh chưng 18 chiếc (dâng lên 18 đời Vua Hùng) - Hương hoa, nước, trầu, cau, rượu và ngũ quả”. Thực hiện “5 không” của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cũng quy định “Tránh những hành vi phản cảm”.
Xin dâng lên Vua Hùng bánh dày nặng 3 tấn, T.P Sầm Sơn phạm cả quy định của Bộ và của địa phương được giao Tổ chức Lễ hội.
Vậy mà giải thích về sự việc trên, đại diện UBND T.P Sầm Sơn vẫn cho rằng, đó là ý tưởng xuất phát từ lòng thành, theo phong tục của người Việt (!).
Đúng là càng nói, càng sai. Tư duy cán bộ thế nguy thật! Thảo nào mà cư dân mạng viết: Thanh Hóa chưa tìm được “thằng bố láo” mà gần đây Bí thư Tỉnh ủy phàn nàn, nên vẫn cứ có những chuyện cười ra nước mắt như thế.
Huy Thiêm