Bánh tam giác mạch
Khá nhiều người ngạc nhiên khi nghe tới bánh tam giác mạch. Bởi chúng ta chỉ nghĩ có hoa tam giác mạch bạt ngàn trên những sườn đồi của vùng cao nguyên đá. Mà không phải ai cũng biết rằng, bên cạnh sắc tím hồng đẹp đến nao lòng ấy, thì tam giác mạch còn là cây lương thực, là nguyên liệu làm nên những chiếc bánh tam giác mạch độc đáo có một không hai ở miền sơn cước này.
Vừa ngắm hoa tam giác mạch, vừa nếm thử chiếc bánh được làm từ chính những tinh túy của loài hoa ấy thì quả là tuyệt vời.
Hạt tam giác mạch cho xay nhỏ thành thứ bột thật mịn. Bột nhào với nước thành hỗn hợp dẻo mềm rồi cho vào khuôn đúc thành từng tấm bánh tròn xoe bằng 2 bàn tay. Tưởng dễ, nhưng hóa ra công đoạn xay bột lại rất vất vả. Hạt tam giác mạch phơi nắng trong một tuần liên tục, để hạt khô dễ xay. Sau đó xay bột bằng tay. Xay bột cũng cần sự khéo léo để ra mẻ bột thật mịn, đều tránh bị lợn cợn sau khi chế biến. Người ta nhào bột đã xay với nước rồi đóng thành khuôn, đem đi nướng. Bánh được nướng chín trên bếp lửa, khi đến tay người mua vẫn còn nguyên hơi ấm. Người Mông đi chợ phiên thường mua bánh tam giác mạch để ăn cùng thắng cố.
Bánh tam giác mạch mềm mềm, xôm xốp, vị ngọt thanh, càng nhai càng bùi, phảng phất hương thơm riêng của cây rừng. Những chiếc bánh tam giác mạch được xếp từng chồng, tất cả đều chung một màu tim tím rất ấn tượng và hấp dẫn với những du khách phương xa. Dù giá không cao như nhiều món hàng ở những nơi khác nhưng bánh tam giác mạch đang góp phần vào sự phát triển ẩm thực, du lịch và kinh tế của vùng cao nguyên đá.
Nếu một lần có dịp ghé thăm Hà Giang vào mùa thu hoạch tam giác mạch, đừng quên ghé thăm những phiên chợ để thưởng thức loại bánh đặc trưng tam giác mạch này. Món bánh được làm bởi bàn tay khéo léo của người dân tộc địa phương, có sự kết tinh từ thiên nhiên của vùng đất núi đá rất đặc biệt ở vùng cao nguyên này.
Tao Viện