Bánh phồng ngày Tết

Xuân về nhà nào cũng phơi vài chiếu bánh phồng, đây cũng là tín hiệu đón xuân nơi làng quê yên bình giản dị. Làm bánh phồng không có công thức, chỉ quen tay quen mắt và kinh nghiệm của người trước truyền lại. Trước tiên, đem ngâm nếp với men nấu rượu và củ thơm (khoảng 2-3 ngày), sau đó đem đãi thật sạch, để ráo nước rồi bắt lên xôi, đây là công đoạn khó bởi xôi phải vừa mềm, không quá khô, quá nhão. Quết bánh phồng phải có nhiều người, không khí thật vui và hết sức nhịp nhàng. Người quết người vùa (đảo bột), nước cốt dừa pha với đường thắng kẹo cho vô từng đợt, mỗi cối giả vài trăm chày mới xong. Khi bột nhuyễn, người khéo phân bột thành từng cục nhỏ đều tay để cán, từng chiếc bánh đều trân trải trên mặt chiếu.
Những người xa quê khó mà quên được tiếng chày phập phồng quết bánh phồng mùa giáp tết, vang đều khắp cả xóm từ sáng tinh mơ. Tiếng chày âm âm trong giấc chiêm bao tuổi thơ và vang mãi trong nỗi nhớ của người xa quê. Bánh phồng nếp có ngon, khi nướng có chuồi to hay không chủ yếu là nhờ quết kỹ, quết khéo. Đó là bí quyết của nghề làm bánh phồng nếp mà chẳng ai nói ra. Chỉ có bàn tay kinh nghiệm của người vùa bột mới cảm nhận được khi nào thì bột đủ dẻo, vừa tới bánh. Ở miền sông nước thường có lệ hùn hạp, đổi công, mỗi nhà thay phiên nhau quết bánh. Cánh thanh niên thì lãnh nhiệm vụ cầm chày, cánh phụ nữ thì đảo bánh. Chày vừa rút lên là các chị dùng tay nhúng nước cốt dừa có pha đường đảo bánh. Các bà mẹ lo xửng để bánh, các chị viên bột bánh tròn bằng trái quýt hồng, rồi cán cho đều tay, mỏng đều, to bằng cái mâm nhỏ, lũ trẻ đem phơi bánh phồng ở ngoài nắng. Những bàn tay khéo léo cán bánh của mẹ, nõn nà thoăn thoát của chị, những loi choi bàn tay của bé đòi vò bánh, rồi lời khen chê của chị, tất cả ríu rít vang lên trong không khí quết bánh phồng đón xuân thật rôm rã, nhộn nhịp.
Chiếu dùng để phơi phải là chiếu mới, được xử lý sạch trước khi phơi bánh. Nếu không, sợi gai dệt chiếu sẽ dính bánh, nhìn không đẹp. Nắng tốt, phơi chừng nửa ngày là khô, gỡ bánh ra, phải xốc xới và quạt cho thật nguội mới sắp bánh. Nếu không, bánh phồng sẽ bị chảy đường và dính khó gỡ. Bánh phồng nếp ngon là phải mỏng đều, không lẫn hột nếp. Điều quan trọng nhất để có được bánh phồng nếp thơm ngon, xốp đều, hương vị đậm đà, là người thợ làm bánh phải giã lúc xôi còn nóng, phải giã đều tay, từ nhẹ đến mạnh dần... khi xôi đã dính thành bánh. Khi ăn đem nướng trên bếp lửa hồng, bánh phồng lên tròn trịa, mùi thơm tỏa ngào ngạt. Bánh phồng nếp miền Tây có hương vị riêng bởi có nước cốt dừa bổ sung vào bộ nếp. Khi ăn có vị bùi béo, mùi thơm của tinh túy trái dừa làm nên cái bánh tráng vừa giòn, lại dày dặn và hấp dẫn, không thể thiếu trong ngày Tết của nông thôn.
Trong suốt quá trình chế biến chiếc bánh phồng từ hột nếp, cách cho ăn nước đường, nước cốt dừa, cách quết, cán, phơi và cuối cùng là nướng, mỗi công đoạn đều để lại cho chúng ta nhiều kỷ niệm sâu đậm và gợi nhớ vô cùng. Nhìn những giọt mồ hôi lăn dài trên đôi má của những chàng trai quết bánh, những tiếng đệm chày ình ịch hòa lẫn với tiếng cười nói rôm rả của các mẹ, các chị... làm chúng tôi cảm nhận được giá trị của món bánh phồng tuy đơn sơ nhưng thật ấm áp và chan chứa nghĩa tình.
Bài và ảnh: Phương Nghi