Bản Vân Kiều vùng biên Xà Khía (Quảng Bình): Quốc phòng - an ninh vững mạnh nhờ định cư, phát triển
Một hộ gia đình bản Xa Khía.
Từ T.P Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình theo đường Hồ Chí Minh đến ngã ba đường 10 theo nhánh Đông Trường Sơn, xe chúng tôi vượt qua những cơn gió Lào hừng hực từ bên kia dãy Trường Sơn thổi lại. Qua 4 giờ vượt đèo trèo dốc, chiếc xe U-oát phủ đầy cát bụi đưa chúng tôi đến bản Xà Khía, xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình - một bản của người Vân Kiều ở vùng biên giới.
Con đường vào bản đã được đúc bê - tông, nhà văn hóa cộng đồng, trường tiểu học bán trú dân nuôi, trường mầm non... được xây khang trang, đẹp đẽ... Đa phần nhà của bà con Vân kiều được xây bằng tường gạch, mái lợp tôn màu đỏ, lác đác có vài ba nhà sàn truyền thống, mái lợp fibro xi măng.
Gặp chúng tôi, Già làng Hồ Bảo - Chi hội trưởng CCB bản, chậm rãi lật lại từng trang quá khứ: “Xà Khía là một bản xa xôi, có diện tích đất lâm nghiệp rộng, gồm 60 hộ và gần 300 nhân khẩu. Bà con sống đoàn kết, chấp hành mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Trước đây bà con sống theo tập quán “Chặt đốn cốt trỉa”: chặt đốt rừng làm nương rẫy, trỉa lấp hạt, canh tác trên đất dóc. Lương thực mỗi năm chỉ tự túc được vài tháng, còn lại thiếu ăn. Họ phải rủ nhau du canh du cư đến nơi khác chặt phá rừng để làm rẫy. Đói nghèo, bệnh tật triền miên. Các hủ tục ma chay, cúng bái diễn ra từ sáng đến thâu đêm. Nạn đánh bắt cá mối bằng vật liệu nổ hoành hành quanh năm; nghề săn bắn thú rừng bằng vũ khí chưa có lệnh cấm nên rất tràn lan. Đẻ con không làm khai sinh, con lớn chưa được tới trường. Thầy cô ở dưới xuôi cơm nắm, gạo gói lội suối băng rừng lên bản để gieo con chữ. Nhưng khi mưa lũ xuống, con nước hung dữ cuốn phăng cả con chữ. Nhưng hôm nay, cảnh tối tăm mịt mù ấy đã lùi xa. Cuộc sống đã đỡ hơn, khi chính sách hỗ trợ cho đồng bào vùng cao vùng khó khăn được thực hiện. Nhờ các chương trình dự án như 134, 135 và Đề án 30A của Chính phủ mà bà con được hưởng lợi. Bản Xà Khía được xây dựng nhà văn hóa, phát triển trồng rừng, bảo vệ rừng, phát triển nuôi trâu bò. Đặc biệt, Trung tâm khuyến nông, khuyến lâm tỉnh còn hỗ trợ cây, con giống và hướng dẫn kỹ thuật cho bà con. Hiện cả bản có hàng trăm héc-ta cây keo. Trồng rừng kết hợp với chăn nuôi trâu, bò, lợn... nhiều hộ thu nhập lên đến trăm triệu đồng/năm, giúp Xà Khía xóa dần vết tích cảnh nghèo khó. Nay bản không có hộ đói, Hộ nghèo giảm dần, hộ khá ngày càng tăng. Bà con trong bản mua sắm được các tiện nghi sinh hoạt như ti vi, xe máy... Chính quyền xã tuyên truyền vận động bà con sử dụng nguồn nước sạch, ăn chín, uống sôi, đau ốm đến trạm xá... đã dần tạo nên nếp sống vệ sinh, tiến bộ.
Nhờ định canh, định cư nên cuộc sống ổn định, kinh tế phát triển nên tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngày càng ổn định. Lãnh đạo bản phối hợp với các ban ngành làm tốt công tác an ninh - quốc phòng. Thường xuyên quan hệ và cung cấp thông tin cho bộ đội Biên phòng, giữ gìn biên giới quốc gia và đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Năm 2017, lãnh đạo bản vận động bà con nộp 4 khẩu súng tự chế, cung cấp thông tin cho Bộ đội Biên phòng bắt, tịch thu lô hàng 40kg động vật hoang dã. Nay bản không có người sử dụng, mua bán chất ma túy. Hằng năm, 100% thanh niên viết đơn tình nguyện làm nghĩa vụ quân sự. Sự phát triển về kinh tế - xã hội tạo cho Xà Khía một gương mặt mới và trở thành một điểm sáng về quốc phòng - an ninh ở miền biên giới. Nhiều năm liền, bản Xà Khía được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình và huyện Lệ Thủy tặng Bằng khen và vinh dự được công nhận là bản văn hóa cấp huyện.
Chia tay Xà Khía chúng tôi được nghe tâm sự đầy lạc quan của Già làng Hồ Bảo: “Trong phong trào xây dựng NTM, bản Xà Khía chúng tôi mới thực hiện 5 tiêu chí; một thời gian không xa, cán bộ cùng nhân dân quyết tâm phấn đấu hoàn thành những tiêu chí còn lại”. Chúng tôi mong và tin lời của Già làng Hồ Bảo sớm thành hiện thực.
Lê Công A