Bản giao hưởng 30 tháng 4
Vâng, một đêm giao hưởng sau cuộc chiến tranh vô cùng khốc liệt kéo dài đằng đẵng 20 năm do những nghệ sĩ, ca sĩ đến từ miền Bắc trình diễn. Những người lính thắng trận, áo vải Tô Châu còn lấm bụi hành quân, còn vương nắng gió dọc dài đất nước sau cuộc hành quân thần tốc, táo bạo nhất trong lịch sử Dân tộc ngỡ ngàng bước vào Nhà hát lớn để tâm hồn hòa điệu cùng những bản nhạc nổi tiếng của nhân loại và Việt Nam. Ngày hòa bình đầu tiên của Tổ quốc được đánh dấu, chính xác hơn là được mở ra với đêm giao hưởng lộng lẫy, hoành tráng rất nhân văn giữa lòng thành phố Sài Gòn được giải phóng. Nhà thơ Anh Ngọc, với tư cách là một nhà thơ, nhà báo quân đội từng có mặt trong đêm giao hưởng lịch sử ấy và ông đã làm nên những câu thơ đầy xúc động: Cát bụi đường xa khẩu súng ngọn cờ/ Ngửa bàn tay gặp bàn tay nhạc trưởng/ Mở tấm lòng gặp tấm lòng giao hưởng/ Bổng trầm cung bậc tìm nhau/ Sài Gòn trong ta là trái chín vẹn nguyên/ Chiến thắng đặt vào lòng hai đứa/ Một nửa anh và em một nửa…
Trong hân hoan toàn thắng, những người lính trận nhớ ngay tới hậu phương. Hậu phương thắt lưng buộc bụng suốt hai cuộc trường kỳ kháng chiến, đánh thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ xâm lược, để có được một Điện Biên lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu, để thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người và cuối cùng dựng nên tượng đài chiến thắng “30 tháng 4” bất tử. Cuộc chiến tranh yêu nước ấy, chiến thắng vĩ đại ấy là của Nhân dân, của Dân tộc. Nhân dân tự nguyện chiến đấu, tự nguyện hy sinh vì nền độc lập tự do, vì cuộc sống hạnh phúc của Dân tộc mình dưới lá cờ vẻ vang của Đảng. Tôi đã từng viết và xin nhắc lại thêm lần nữa, những người lãnh đạo nhân dân ta chống giặc Pháp xâm lược đầu tiên không phải là cộng sản. Trước khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời (1930) rất lâu đã có phong trào Cần Vương, sau đó nổ ra nhiều cuộc khởi nghĩa yêu nước mà sự không thành công được đánh dấu bằng cuộc khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo. Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, trải qua một thập kỷ rưỡi đấu tranh gian khổ hiểm nguy mới có cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, để Việt Nam trở thành Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Năm 1946, lòng khoan dung và khát khao hòa bình của dân tộc Việt Nam mà quy tụ đầy đủ nhất ở Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng không cứu vãn được tình thế, toàn dân phải chấp nhận cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Nếu như không có sự can thiệp trực tiếp sặc mùi chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ vào Việt Nam từ năm 1954 thì làm gì có cuộc chiến tranh tốn nhiều máu xương đến vậy của hai phía kéo dài 20 năm và đương nhiên ngày cuối cùng của tháng 4-1975 sẽ chỉ là ngày bình thường như nhiều ngày khác.
Chiến thắng 30-4-1975 chính là bản giao hưởng bi tráng và xúc động nhất của thế kỷ XX đối với Tổ quốc ta và có ảnh hưởng sâu sắc đến nhân loại. Đấy là chiến thắng của chính nghĩa, của tinh thần đoàn kết và là sự khởi đầu tuyệt vời cho hòa giải, hòa hợp Dân tộc. Với một dân tộc, không có giá trị nào lớn hơn, cao quý hơn nền độc lập tự do và chủ quyền non sông. Không có gì lạ cả, khi ta coi bài thơ Thần của Lý Thường Kiệt Nam quốc sơn hà Nam đế cư từ thế kỷ XI, Đại cáo bình Ngô do Nguyễn Trãi viết từ thế kỷ XV cũng là những Tuyên ngôn Độc lập mang hào khí, khát vọng của non sông như Hồ Chí Minh đọc ở Quảng trường Ba Đình vào mùa thu năm 1945 của thế kỷ XX.
Chiến thắng 30-4-1975 là mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc, không gì khác, nó là biểu tượng rực rỡ của lòng yêu nước, của khí phách, của trí tuệ Việt Nam. Không yêu nước, không kiên cường, không sáng tạo sẽ không chiến thắng được một kẻ thù lớn như đế quốc Mỹ, không có khúc khải hoàn 30 tháng 4. Điều này, không phải ta “tự sướng”, tự khen mà dư luận thế giới đã, đang và sẽ còn nói tới nhiều. Báo Asahi Shimbun của nước Nhật có bài viết vào ngày 1-5-1975: Chiến tranh Việt Nam kết thúc với thắng lợi của lực lượng giải phóng, điều đó có thể khẳng định, thời mà các nước lớn dùng sức mạnh để bóp nghẹt chủ nghĩa dân tộc đã chấm dứt. Trong giờ phút lịch sử cách đây 40 năm ấy, hãng UPI đã tường thuật: Quân đội phía chiến thắng cưỡi xe tăng vào Dinh Tổng thống với nét mặt phấn khởi như vào chỗ không người, thậm chí còn xưng hô “đồng chí” với những người đứng hai bên đường cũng như đối với các nhà báo. Ông Alain Rusco, nhà sử học người Pháp, kiêm chuyên gia nghiên cứu về lịch sử Đông Dương thì cho rằng: Sự kiện 30-4 gây tiếng vang lớn trên trường quốc tế về một dân tộc không chịu khuất phục trước kẻ thù…
Hơn ai hết, người dân Việt Nam càng yêu hòa bình bao nhiêu, càng thấm thía với sự hy sinh vô cùng to lớn đối với chiến thắng 30 tháng 4 bấy nhiêu. Lại càng hy vọng những giá trị đích thực của ngày toàn thắng lịch sử này sẽ được gìn giữ và phát huy năng lượng trong đời sống xã hội hiện tại và mai sau. Lòng yêu nước, sự hy sinh của Nhân dân, của chiến sĩ phải được đền đáp bằng cuộc sống hạnh phúc của mọi nhà, mọi người do thể chế mới mang lại. Sau chiến tranh, bằng nỗ lực phi thường, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt sau khi công cuộc đổi mới được khởi động, Đất nước ta đã giành được nhiều thành tựu quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy vậy, ta cũng không khỏi xót xa nhận ra rằng, trong xã hội ta còn không ít mảng tối, những thiếu sót khuyết điểm, tiêu cực.
Hãy một lần đứng trước những nấm mộ liệt sĩ có tên và không tên đang nằm trùng điệp từ Bắc vào Nam, hãy một lần ngắm kỹ khuôn mặt in dấu thời gian và những bão giông từng trải của các Mẹ Việt Nam anh hùng, hãy một lần cúi xuống nhìn những đứa con dị tật của đồng đội bị nhiễm chất độc màu da cam, và dừng lại lâu hơn nơi đôi mắt của những góa phụ… mấy mươi năm chưa tìm được xương cốt chồng để suy xét lương tâm, công việc mình. Máu, nước mắt của Dân tộc này không phải là nước lã, dù nó đã thấm vào đất đai sông nước. Phải biến cái mất đi thành năng lượng dồi dào cho cuộc sống hôm nay. Nghĩ về quá khứ bi tráng của Dân tộc thật nghiêm túc để biết chọn lựa cho mình cách nghĩ, cách hành động đúng đắn nhất. Tổ quốc trên hết! Nhân dân trên hết! Vang vọng ấy có từ mốc lịch sử 30 tháng 4. Những người lính, những người dân ngã xuống trên chặng trường chinh dằng dặc, linh khí hội tụ về trong ngày kỷ niệm trọng đại này không thể không nói với chúng ta điều gan ruột ấy. Thực ra, điều ấy cũng rất quen thuộc, gần gũi với chúng ta, trước hết là những cán bộ, đảng viên. Chẳng qua là chúng ta cố tình quên đi những điều tốt đẹp thiêng liêng hay bị mắc phải cái bệnh mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra từ lâu: Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh...
Nếu không ngăn chặn được chủ nghĩa cá nhân như Bác cảnh báo, chắc chắn giá trị của bản giao hưởng 30 tháng 4 không còn nguyên vẹn nữa! Đấy là dự cảm đau lòng nhất đối với chúng ta và lẽ dĩ nhiên không ai muốn, không ai để điều ấy xảy ra. Ai cũng hy vọng, Đảng ta, Nhân dân ta với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, với bản lĩnh Việt Nam chắc chắn sẽ làm nên những kỳ tích mới trong công cuộc xây dựng Đất nước và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.
Nguyễn Hữu Quý