Bàn chuyện xếp hàng
Đúng là ở xứ ta, chuyện xếp hàng dường như là thứ gì đó xa xỉ, khó với tới. Đi bất cừ nơi đâu, trong hoàn cảnh nào, cũng bắt gặp những hình ảnh lộn xộn, bát nháo. Vì thế mà dân ta bị gán cho cái từ kém văn hóa xếp hàng. Vậy nguyên nhân sâu xa là do đâu khi trước đây người Việt ta từng được bạn bè quốc tế ngợi khen là hào hoa, lịch thiệp, kiên nhẫn, hòa đồng? Đồng ý rằng, cũng có một số người kém văn hóa, đến sau nhưng lại muốn về trước. Nhưng không thể đánh đồng tất cả là người dân chúng ta đều thiếu nhã nhặn vì không chịu xếp hàng.
Đất nước ngày càng phát triển, đời sống dân được cải thiện nhưng kéo theo đó lá sự tạp nhạp từ việc cạnh tranh, hơn thua, nhất là sự phân hóa giàu nghèo thể hiện một cách rõ rệt. Cũng chính vì thế mà nhiều người có thể dùng tiền để mua sự ưu tiên. Nói không ngoa, ở nhiều bệnh viện lớn, chỉ cần bỏ ra một số tiền là có ngay số thứ tự “đẹp”, khỏi phải xếp hàng chi cho cực, mất thời giờ. Rất nhiều lần tôi bắt gặp hình ảnh nữ y tá, bác sĩ cầm cuốn sổ khám bệnh chen ngang những người đang xếp hàng chờ đến lượt mình, để nhờ sự quen biết xin cho người nhà mình khám trước.
Đi công chứng giấy tờ, trong khi rất nhiều người nghiêm túc đợi xét duyệt thì không ít cá nhân nhờ sự quen biết để được ký liền, ký gấp. Muốn giấy phép kinh doanh, xây dựng duyệt sớm, họ lại dùng đến chiến thuật "chạy", kèm theo “phong bì”. Tôi cũng đã chứng kiến cảnh một người nhà của công an xã đến sau nhưng lại không xếp hàng chờ mà thản nhiên cầm hồ sơ đưa cho trưởng công an xã ký liền (không cần xem hồ sơ).
Từ những việc ấy đã làm người ta mất niềm tin vào chuyện xếp hàng. Ở Nhật Bản hay các quốc gia khác, người ta chịu khó xếp hàng vì họ tin rằng dù gì thì cũng đến lượt mình, theo nguyên tắc ai đến trước thì đứng trước và được thụ hưởng trước. Còn ở ta, với những gì vừa nêu đã khiến cho người ta mất niềm tin với chuyện xếp hàng khiến dẫn đến cảnh lộn xộn. Đừng đổ lỗi cho giáo dục mà cần nhìn nhận xu hướng xã hội đã chi phối tư tưởng của con người. Một số người nghĩ, họ xếp hàng từ khuya để chờ lấy số thứ tự nhưng có người đến sau lại vào khám trước, thế thì tôi cần gì xếp hàng làm gì cho mệt! Từ một người, hai người... dẫn đến cả đám đông bất mãn với chuyện xếp hàng. Bên cạnh việc chán chuyện xếp hàng, họ còn dạy con mình tương tự thế. Nên trẻ dù đã được học văn hóa xếp hàng ngày từ ngày đầu tiên đến lớp vẫn bị chi phối tâm lý, cách ứng xử với xã hội.
Vì thế, để vực dậy văn hóa xếp hàng của người Việt, trước tiên cơ quan công quyền, các bệnh viện, nhà ga..., nơi mà tập trung con người đông đúc, cần phải làm gương. Xử lý công việc cần phải theo nguyên tắc "ai đến trước được trước". Cần loại bỏ những cá nhân tiêu cực, thấy tiền mờ mắt, thay đổi nguyên tắc. Một khi người ta cảm thấy được đối xử công bằng trong chuyện xếp hàng thì họ sẽ nghiêm túc thực hiện việc này một cách tự giác. Lúc đó xã hội sẽ trở nên đẹp đẽ khi không còn cảnh chen lấn xô bồ.
Nguyễn Hoàng Duy