Ban CHQS T.P Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa: Bốn tại chỗ phải thuần thục, kỹ càng
Tình hình thời tiết, khí hậu, mưa bão trong những năm gần đây diễn biến bất thường và gây nhiều hậu quả nghiêm trọng. Trong ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai (PCTT), Quân đội luôn có vai trò đặc biệt quan trọng. Các đơn vị Quân đội có nhiều phương án và sự chuẩn bị mọi mặt cho nhiệm vụ phòng, chống thiên tai. Tìm hiểu vấn đề này, PV Báo CCB Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Trung tá Nguyễn Văn Thi - Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy Quân sự T.P Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
PV: Thưa đồng chí, hiện nay đã bước vào mùa mưa bão, để chủ động phòng chống và khắc phục thiên tai thì Ban CHQS T.P Thanh Hóa có những giải pháp cụ thể gì?
Trung tá Nguyễn Văn Thi: Cứ vào khoảng tháng 6, tháng 7 hằng năm, Ban CHQS thành phố tham mưu cho Thành ủy, UBND xây dựng, luyện tập các phương án PCTT. Nổi bật trong đó là sử dụng các lực lượng Trung đội dân quân cơ động, lực lượng các ban ngành. Về nội dung HLTKCN, chúng tôi tập trung huấn luyện cứu người bị đuối nước, người bị nạn, luyện tập thực hành động tác chống tràn đê. Chúng tôi cho các đơn vị thay nhau luyện tập trực tiếp trên đê và phân thành các trung đội của các xã phường. Sau đó tổ chức bình tập, đi tham quan các vị trí và đánh giá từng đơn vị. Năm 2017 diễn ra nhiều trận lụt lịch sử, nhưng nhờ huấn luyện kỹ và gắn với thực tiễn nên việc điều động lực lượng rất nhanh và hiệu quả. Do đó nhân dân không bị động bất ngờ, cấp ủy và chính quyền địa phương đánh giá rất cao.
PV: Trong việc huấn luyện PCTT, cơ quan quân sự thành phố đã có những biện pháp tổ chức như thế nào để gắn việc huấn luyện sát với điều kiện thực tiễn của địa phương?
Trung tá Nguyễn Văn Thi: Trước hết, chúng tôi kiện toàn và rà soát lại toàn bộ hệ thống kế hoạch, kiểm tra lại tính khả thi. Những điểm chưa phù hợp thì điều chỉnh ngay. Ví như, lực lượng sẵn sàng ứng trực mùa mưa bão phải có danh sách, có họ tên cụ thể; phải nắm chắc tình hình từng đoạn đê, nhất là những đoạn xung yếu, để khi có lụt bão thì kịp thời tham mưu cho lãnh đạo xử lý ngay. Việc thứ hai là phát huy các lực lượng tại chỗ, đặc biệt là hậu cần tại chỗ, vật chất tại chỗ. Chúng tôi mới được trên quan tâm cấp một canô, đơn vị đã khẩn trương huấn luyện để tăng khả năng cơ động.
PV: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn thì vai trò của lực lượng vũ trang thành phố đã được phát huy như thế nào, thưa đồng chí?
Trung tá Nguyễn Văn Thi: Năm 2018, khi lũ ở trên thượng nguồn tràn xuống ngay khi trời nắng, nhân dân chủ quan nên rất nguy hiểm. Sau khoảng 5-6 giờ, ở các xã Thiệu Khánh, Triều Dương rồi Hoàng Quang, Đông Hải bị ngập hàng nghìn hộ dân. Được sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố, chúng tôi điều 400 dân quân, trước hết là lực lượng tại chỗ, rồi điều động lực lượng dân quân của các xã, phường khác tăng cường cho các xã bị ngập. Lực lượng này đã kịp vận chuyển lúa, gạo, quần áo, đồ dùng của gia đình... đưa lên mặt đê. Do đó không thiệt hại gì nhiều. Năm 2019, cùng với huấn luyện kỹ, chúng tôi chỉ đạo các đơn vị trong toàn thành phố luôn sẵn sàng thực hiện tốt nhất nhiệm vụ PCTT.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Hiền Pháp (thực hiện)