Bài “Tình em” đã ra đời như thế (04/08/2011)

Ngày ấy, tôi là một đại đội trưởng pháo binh. Chúng tôi vừa cưới nhau được dăm tháng, mới sống chung với nhau được dăm hôm. Bỗng một buổi chiều tôi được nhận nhiệm vụ trở về miền Nam chiến đấu. Quê tôi ở thị xã Quảng Ngãi. Với những sĩ quan trẻ miền Nam tập kết ra miền Bắc như chúng tôi, thì việc được gọi về tham gia giải phóng quê hương không chỉ là vinh dự và nghĩa vụ thiêng liêng, mà còn là một nguyện vọng rất chân thành, tha thiết của mọi người. Trước ngày sắp lên đường, tổ chức sắp xếp rất chu đáo cho chúng tôi được gặp nhau ít hôm. Cuối cùng, thì vợ tôi cũng nhận biết chắc rằng, tôi trở về miền Nam chiến đấu. Cả hai đều cảm thấy se lòng trước cuộc chia ly không biết đến bao giờ gặp lại...

Bắt đầu cuộc đời mới của người chiến sĩ quân giải phóng miền Trung, tôi cùng đơn vị sống sâu trong những khu rừng già giữa đại ngàn Trường Sơn. Đói cơm, lạt muối, sốt rét rừng liên miên. Khổ cực đến mấy rồi cũng qua đi, nhưng day dứt nhất là vắng thư từ, tin tức. Chúng tôi vững lòng tin ở tương lai, nhưng tất cả phía trước hãy còn xa lắc...

Một hôm, đang gùi đạn trên đường giao liên để chuẩn bị ra quân chiến dịch, tôi tình cờ gặp một anh thương binh quê ở Quảng Bình đang trở về hậu phương lớn. Qua trò chuyện, tôi tìm một mảnh giấy bằng bàn tay, viết mấy dòng và nhờ anh chuyển cho vợ tôi. Rồi một ngày cuối thu năm 1963, tôi cùng đơn vị hành quân từ đất Kon Tum vào Gia Lai đóng quân, chuẩn bị cho những trận đánh lớn. Tôi tạt vào trạm giao liên, bất ngờ trông thấy lá thư của vợ tôi. Nhìn những nét chữ thân quen trên phong bì, tôi hồi hộp đến run lên.

Trong thư, vợ tôi động viên tôi hãy làm tốt mọi nhiệm vụ, hứa sẽ vì nhau chung thuỷ đợi chờ, chỉ mong sao tôi không ngã nơi chiến trường, mong sao chóng đến ngày chiến thắng gặp lại nhau. Vợ tôi tâm sự rằng, giá mà sớm có với nhau một đứa con... Khổ tâm nhất là những tối thứ bảy ở Thủ đô, từng đôi bạn trẻ sinh viên rủ nhau đi chơi, còn vợ tôi thui thủi một mình trong căn phòng trống vắng, khóc thầm trong nhớ nhung. Đang ôn thi, vợ tôi phải đấu tranh tư tưởng dữ dội lắm mới có thể học vào. Thấm thoắt, đã hai năm xa nhau. Lòng tôi thấy thương vợ vô cùng. Hành quân trong rừng le, lá vàng bay rất nhiều trong nắng hanh. Tôi cứ nao nao với chính mình: Chiếc lá lìa cành, lá không còn mầu xanh, nhưng tình yêu của người đang ra trận thì như thế nào? Tôi thấy không có cách nào khác là phải động viên, an ủi nhau để đi cho trọn con đường chiến đấu còn lâu dài và lắm gian khổ. Người lính rất cần một tình yêu thuỷ chung, trong sáng để tăng sức mạnh chiến đấu, làm nên sự sống trong cái chết.

Tự nhiên, tôi thấy lòng rạo rực muốn làm thơ để nói lên nỗi lòng và tâm trạng của mình. Tôi nhẩm thơ trong óc: "Khi chiếc lá lìa cành, lá không còn mầu xanh...". Nhưng tôi cảm thấy hai chữ "lìa cành" có vẻ buồn quá. Nó mang sắc thái của cái chết. Tôi muốn tình yêu phải là sự sống, phải mang lại sự sống. Tôi thay hai chữ "lìa cành" bằng "xa cành" để cho ý thơ trong sáng hơn, tươi tắn hơn, phù hợp với tình yêu của người đang ra trận. Vậy là mờ sáng, tôi ghi vội vào nhật ký trước khi tiếp tục hành quân:

Khi chiếc lá xa cành, lá không còn mầu xanh

Mà sao em xa anh, đời vẫn xanh rời rợi?

  • Có gì đâu em ơi,

Tình yêu là sự sống!

Nên nắng hửng trong lòng

Mạch đời căng máu nóng

Và tôi không biết từ đâu, vào lúc nào và bằng con đường nào, những bài thơ đầu tay của tôi được gửi ra miền Bắc. Riêng bài "Tình em" đăng lần đầu tiên trên tập "Sức trẻ". Về sau, nhà thơ Thu Bồn đã đổi tên bài thơ thành "Gửi em dưới quê làng" cho phù hợp với khung cảnh chiến tranh và hoàn cảnh xã hội ta lúc bấy giờ...

Cho đến một ngày mùa thu năm 1981, tôi được điều động về công tác ở Cục Tư tưởng Văn hoá - Tổng cục Chính trị. Và đến lúc này, tôi mới bắt đầu có khái niệm và có cuộc sống thật sự của một gia đình nhỏ. Xa gia đình ròng rã hai mươi năm tròn. Cuộc đời người lính là như thế. Kỷ niệm chồng lên kỷ niệm nối dài theo bước hành quân. Bài thơ "Tình em" đã cùng vợ chồng tôi đi qua chiến tranh và cả những ngày bình yên hôm nay. Nó là kỷ niệm của tình yêu chung thuỷ.

HỒ NGỌC SƠN