Bài thuốc từ cây lá bỏng
Cây lá bỏng.
Theo y học cổ truyền, cây lá bỏng có vị nhạt, hơi chua, có tính mát, không độc, có tác dụng tiêu viêm, giảm đau, tiêu độc, giúp vết thương chóng lên da non… Thường được dùng chữa bỏng, cầm máu, giải độc,... Sau đây là một số bài thuốc từ cây lá bỏng:
Chữa bỏng nhẹ, bỏng nông: Lá bỏng không kể liều lượng, rửa sạch, giã nát đắp lên vết bỏng 3-4 lần mỗi ngày.
Cầm máu khi bị đứt tay, chân: Lấy 3-4 lá bỏng rửa sạch, giã nát, đắp lên vết thương có tác dụng cầm máu rất tốt, có thể lấy một nắm lá rửa sạch, giã nát hòa với nước sôi để nguội, lọc lấy nước cốt để uống. Nếu vết thương bầm tím: Lấy một nắm lá bỏng rửa sạch, giã nhuyễn, cho thêm ít rượu và đường để uống.
Hỗ trợ điều trị bệnh trĩ: Rửa sạch hậu môn bằng nước muối. Lá bỏng rửa sạch, giã nát, vắt bớt nước và đắp vào hậu môn, dùng miếng gạc băng vào. Mỗi ngày làm 3 lần với liều lượng sáng 4 lá, chiều 4 lá và tối 2 lá. Làm liên tục trong khoảng 1 tháng.
Chữa mụn nhọt khi chưa có mủ: Lấy 30g lá bỏng, 15g lá đại, 20g lá táo. Tất cả rửa sạch, giã nát đắp vào mụn ngày 1-2 lần.
Chữa viêm họng: Lấy 3-4 lá bỏng, rửa sạch, nhai ngậm trong họng rồi nuốt dần. Ngày làm 3 lần có tác dụng giảm đau họng rất tốt. Hoặc: Lấy 10 lá bỏng rửa sạch, chia nhai sáng 4 lá, chiều 4 lá, tối 2 lá. Nhai kỹ, ngậm một lúc rồi nuốt cả bã, dùng khoảng 3-5 ngày sẽ có kết quả tốt.
Giải rượu: Khi bị say rượu dùng 10 lá bỏng rửa sạch, nhai sống rất hiệu nghiệm.
Hải Tiến