Bài thơ “Con cá, chột nưa” nhớ lại và suy ngẫm
Những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ XX, trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa, nhiều lứa học trò như chúng tôi được học bài thơ “Con cá, chột nưa” (*) của nhà thơ Tố Hữu.
Bài thơ ra đời năm 1939 trong nhà tù Lao Bảo của thực dân Pháp; khi ấy tác giả vừa tròn 19 tuổi nhưng đã sớm có những suy nghĩ đúng đắn về phẩm chất, danh dự của người làm cách mạng…
Bài thơ là một “vở kịch” khá gay cấn về câu chuyện tuyệt thực đấu tranh trong lao tù thực dân Pháp. Đã tuyệt thực gần một tuần, chỉ có nước lã cầm hơi nhưng tất cả mọi người đều giữ vững khí tiết người chiến sĩ cách mạng trước những thữ thách khốc liệt chốn lao tù.
Cái bụng đói cồn cào không cách nào “giấu được” tưởng chừng gục ngã trước mọi cám dỗ của đời thường (Năm sáu ngày mệt xỉu/ Thuốc làm khuây mấy điếu/ Vài ba hớp nước trong/ Suy nghĩ chuyện bao đồng/ Vẫn không ngoài chuyện đói). Bọn cai ngục xảo quyệt, vẫn dọn cơm canh cho tù nhân bình thường, để ngay gần cửa và đầu ngọn gió thổi vào (Đầu sàn canh bốc khói/ Chén cá nức mùi thơm/ Lên họa với mùi cơm/ Sao mà như cám dỗ!). Cơm nóng hổi, bốc mùi thơm quyện với mùi cá kho với “chột nưa” (Bẹ cây khoai nưa, tương tự như cây khoai môn; cá kho chột nưa là món ăn dân dã, quen thuộc).
Cái đói làm cho giấc ngủ không yên và “cái bụng” luôn tìm mọi lý do nhằm che giấu cái xấu của mình (Muốn ngủ mà không ngủ/ Cái bụng cứ nằn nì/ Ăn đi thôi, ăn đi/ Chết làm chi cho khổ?). Nhưng người chiến sĩ cách mạng vẫn kiên cường chịu đựng, không chùn bước trước cái đói đang hành hạ mình (Im đi cái giọng mày/ Tao thà cam chịu chết!). Đến đây, biết không lay chuyển được ý chí người chiến sĩ cách mạng, “cái bụng” liền chuyển qua cách “tiếp cận” xảo quyệt hơn (Hắn nằm im đỡ mệt/ Rồi tha thiết van lơn/ Đời mới hai mươi xuân/ Chết làm chi cho khổ!). Và trơ tráo thay, hắn bày mưu mẹo cho người chiến sĩ cách mạng “cách ăn, cách súc miệng” nhằm xoá mất dấu vết “ăn vụng” (Ăn đi vài con cá/ Dăm bảy cái chột nưa/ Có ai biết, ai ngờ/ Thế vẫn tròn danh dự/ Không can chi mà sợ/ Có hôi miệng hôi mồm/ Còn sẵn nước khi hôm/ Uống vô là sạch hết!).
Đến lúc này thì người chiến sĩ cách mạng có vẻ xiêu lòng trước những lý lẽ khá “sâu sắc”, “điểm trúng huyệt” của “cái bụng” (Lần này tôi thú thiệt/ Lời hắn cũng hay hay/ Lý sự cũng đủ đầy/ Nghe ra chừng phải quá/ Ăn đi vài con cá/ Dăm bảy cái chột nưa/ Có ai biết ai ngờ/ Thế vẫn tròn danh dự!).
Nhưng ý chí, nghị lực của con người từng luyện rèn qua thử thách, gian khổ đã chiến thắng “con người cá nhân” trong bản thân mình (Nhưng mà tôi lưỡng lự/ Suy nghĩ rồi lắc đầu/ Đành không ai biết đâu/ Vẫn không làm thế được!).
Người chiến sĩ cách mạng nhận thức được rằng: Sống trong tổ chức, đoàn thể thì phải bảo vệ tổ chức, đoàn thể của mình; không thể tự cho phép mình làm những điều có hại, làm mất danh dự đoàn thể (Đã đứng trong đoàn thể/ Bênh vực lợi quyền chung/ Sống chết có nhau cùng/ Không được xa hàng ngũ/ Không thể gì quyến rũ/ Mua bán được lương tâm).
Danh dự con người, danh dự một tập thể, một tổ chức mà mình được sống trong đó; không thể nào đưa ra mua bán, mặc cả được! Giữ vững ý chí chiến đấu; giữ trọn thanh danh cá nhân mình cũng là giữ trọn thanh danh của tập thể, của tổ chức.
Người chiến sĩ cách mạng thà chết chứ không để mất danh dự cá nhân, danh dự tập thể . Phải giữ gìn danh dự như giữ gìn con ngươi của mắt mình (Danh dự của riêng thân/ Là của chung đồng chí/ Phải giữ gìn tỉ mỉ/ Như tròng mắt, con ngươi/ Đến cạn máu, tàn hơi/ Không xa rời kỷ luật!/ Phải trải lòng chân thật/ Không một nét quanh co/ Không một bóng lờ mờ/ Không một nhăn ám muội).
“Trận chiến” vô cùng quyết liệt giữa con người cá nhân và người chiến sĩ cách mạng đã kết thúc có hậu. “Cái bụng” (tượng trưng cho chủ nghĩa cá nhân trong mỗi con người) đã “nằm im”, đã “chịu thua”, tâm phục khẩu phục trước lý lẽ sắn bén của người chiến sĩ cách mạng (Bụng nghe, chừng biết tội/ Từ đó hết nằn nì/ Không dám thở than chi/ Và tôi cười đắc thắng).
Danh dự cá nhân trong tập thể cũng là danh dự của chung, của mọi người. Mỗi người trong tổ chức ấy, tập thể ấy biết bảo vệ danh dự của mình cũng là bảo vệ danh dự tập thể!
Bài học ngày xưa ấy, dẫu xa xưa rồi sao còn mang tính thời sự nóng hổi hôm nay? Biết bao kẻ “giàu có chẳng thiếu thứ gì”, nhưng đã làm mất thanh danh của Đảng khi bị mờ mắt trước đồng tiền tham nhũng; đã gục ngã trước những viên đạn “bọc đường”? Biết bao kẻ tự đánh mất danh dự của mình, danh dự của tập thể trước cám dỗ của đồng tiền?
Lê Đức Đồng
(*). Tố Hữu - Thơ - NXB Giáo dục, 1998.