BÀI HỌC VỀ: Quyền Con người và Quyền Dân tộc
Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số dự Kỳ họp lần thứ I, Quốc hội Khóa III tại Hà Nội.
Báo tháng 9 - Ngày 2-9-1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, trước hàng vạn nhân dân Hà Nội và nhiều chính khách, thay mặt Chính phủ Lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, trịnh trọng tuyên bố khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước Công - Nông đầu tiên ở châu Á.
Tuyên ngôn Độc lập là một áng hùng văn bất hủ, một văn kiện lịch sử - chính trị - pháp lý đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và cũng là của các dân tộc thuộc địa bị áp bức bóc lột trên toàn thế giới.
Giá trị to lớn, ý nghĩa thời đại và sức sống trường tồn của bản Tuyên ngôn Độc lập do Bác Hồ soạn thảo, trước hết xuất phát từ sự phát triển quyền tự nhiên của con người đến quyền độc lập, tự do của dân tộc; khẳng định sự thống nhất biện chứng giữa quyền dân tộc và quyền con người - mục tiêu, lý tưởng mà bất cứ một quốc gia nào trên thế giới đều mong muốn và hướng đến.
Tuyên ngôn Độc lập 1945 còn là sự kế thừa và phát triển quyền tự chủ của nhân dân Việt Nam qua hàng nghìn năm lịch sử đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước cùng với sự kết tinh giá trị nhân văn cao cả của nhân loại mà Hồ Chí Minh đã lĩnh hội được qua những tháng năm Người bôn ba khắp thế giới để tìm đường cứu nước.
Trong quá trình đấu tranh giữ nước của các thế hệ người Việt, lịch sử Việt Nam ít ra cũng đã hai lần xuất hiện tuyên ngôn mang tính lịch sử - chính trị - pháp lý như vậy. Đó là trong cuộc Kháng chiến chống Tống của vua tôi nhà Lý vào thế kỷ XI, lần đầu tiên trên phòng tuyến sông Như Nguyệt vang lên bài "Nam quốc sơn hà":
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư,
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
(Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định phận tại sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời).
Thế kỷ XV, trong "Bình Ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi định rõ: "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, quân điếu phạt trước lo trừ bạo. Như nước Đại Việt ta từ trước, vốn xưng nền văn hiến đã lâu. Núi sông bờ cõi đã chia. Phong tục Bắc Nam cũng khác. Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập. Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương. Tuy mạnh yếu nhiều lúc khác nhau, nhưng hào kiệt thời nào cũng có".
Năm 1945, thấm nhuần sâu sắc tinh thần và tư tưởng đó của các bậc tiền nhân cùng với sự tiếp nhận nhiều luồng tư tưởng tiến bộ của thế giới, trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thật sự đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.
Không phải ai cũng cũng biết rằng vào những ngày sục sôi không khí của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tại ngôi nhà 48 Hàng Ngang, Hà Nội, chắp bút mở đầu cho Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh đã trích dẫn những câu bất hủ trong bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp năm 1789: “Người ta sinh ra đựơc tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Người đã tìm thấy trong các văn kiện quan trọng đó tư tưởng về quyền bình đẳng, quyền tự do. Trong Tuyên ngôn Độc lập, Người đã phát triển từ quyền tự nhiên của con người đến quyền độc lập, tự do của dân tộc; đồng thời làm rõ và khẳng định mối quan hệ biện chứng giữa quyền con người và quyền dân tộc.
Với Hồ Chí Minh, quyền con người không thể tách rời quyền của mỗi dân tộc. Quyền con người là lẽ tự nhiên thì quyền của mỗi dân tộc cũng là lẽ tự nhiên. Con người trong dân tộc có đựơc bình đẳng, tự do và hạnh phúc thì dân tộc đó mới được xem là dân tộc độc lập, tự do, hạnh phúc - sự phát triển sáng tạo phù hợp quy luật.
Ngày 2-9-1945, sau khi Tuyên ngôn Độc lập được công bố trước “bàn dân thiên hạ” và thế giới về việc giành chính quyền và thành lập nước VNCCH, Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam mới đã ra mắt quốc dân, đồng bào. Chính phủ đã trịnh trọng tuyên bố: Dân tộc Việt Nam có quyền hưởng Tự do và Độc lập; Việt Nam đã trở thành một quốc gia Tự do và Độc lập; Dân tộc Việt Nam quyết hy sinh để bảo vệ quyền Tự do và Độc lập ấy.
Nhìn vào thành phần Chính phủ, từ Chính phủ Lâm thời (2-9-1945), đến Chính phủ liên hiệp lâm thời (1-1-1946), rồi Chính phủ liên hiệp Kháng chiến (2-3-1946) có thể thấy toát lên tinh thần đoàn kết tất cả mọi giai cấp, đảng phái, mọi tầng lớp, tôn giáo... Hay nói một cách khác là Chính phủ của toàn thể dân tộc.
Từ lời thề “kiên quyết hy sinh để bảo vệ quyền tự do và độc lập” trong Tuyên ngôn Độc lập đến chân lý ngời sáng “Không có gì quý hơn độc lập tự do!” trong Lời kêu gọi toàn dân kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đã đưa nhân dân Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đánh thắng từ kẻ thù này đến kẻ thù khác, xây dựng một nước Việt Nam hùng cường; nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
76 năm đã trôi qua, nhưng quan điểm, tư tưởng về sự thống nhất biện chứng giữa quyền dân tộc và quyền con người; khát vọng cháy bỏng về độc lập tự do; tinh thần đấu tranh kiên quyết để bảo vệ nền độc lập, tự do đã giành được và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trong Tuyên ngôn Độc lập cũng như tinh thần đại đoàn kết trong tổ chức bộ máy chính quyền dân chủ nhân dân vẫn trường tồn cùng lịch sử dân tộc, trở thành "kim chỉ nam" trong công cuộc xây dựng CNXH và bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ hiện nay.
Trần Ngọc Long