Bài học sâu sắc từ những lần sinh nhật Bác Hồ
Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thác Dẫng, Tuyên Quang, năm 1951. Ảnh: Tư liệu
Sự từ chối những lễ nghi phiền phức, không muốn tốn kém thời giờ, tiền bạc của nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong dịp kỷ niệm ngày sinh của mình thể hiện đức tính khiêm tốn, giản dị, cần kiệm, liêm chính, những phẩm chất đáng quý của người công bộc, “đầy tớ” của nhân dân. Nhân cách ấy, sự cao thượng ấy càng làm cho hình ảnh Bác Hồ trở nên cao đẹp và sáng ngời trong lòng nhân dân Việt Nam và bè bạn quốc tế.
“Hôm nay đồng bào cho tôi nhiều hoa bánh. Những thứ đó đáng giá cả. Nhưng xin đồng bào nghĩ đến các đồng bào nghèo khó, hơn là hao phí cho tôi"(1). Chỉ riêng những dòng cảm xúc chân tình, giản dị mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với đồng bào nhân dịp kỷ niệm ngày sinh nhật Người (ngày 19-5-1946) cũng đã để lại cho chúng ta bài học sâu sắc về sự khiêm tốn, tiết kiệm và tinh thần yêu nước thương dân của vị lãnh tụ kính yêu. Những năm sau đó, vì không muốn tốn kém thời giờ, tiền bạc của nhân dân trong lúc đời sống và cuộc chiến đấu của nhân dân còn khó khăn, gian khổ…, Bác thường dặn trước các địa phương, các cơ quan là không nên tổ chức chúc thọ linh đình. Những lẵng hoa tươi đẹp, những món quà các nơi gửi đến, Bác đều dặn chuyển tặng cho các đơn vị bộ đội, công an, thanh niên xung phong hay các cá nhân anh hùng, chiến sĩ thi đua... Vào những dịp kỷ niệm sinh nhật, Bác tranh thủ đi thăm các nơi, Bác muốn dành thời gian để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân, để chia sẻ, cổ vũ các ngành, các đoàn thể, các địa phương và từng cá nhân hăng say lao động, lập thành tích thi đua trong chiến đấu, lao động, sản xuất… Đó không chỉ là tác phong sâu sát mà còn là thái độ “yêu dân, kính dân”, “gắn bó máu thịt với nhân dân”. Và chắt lọc từ những câu chuyện tưởng là nhỏ ấy, chúng ta thấy được bao nhiêu điều lớn lao để suy nghĩ, để học theo Bác và làm theo Bác.
Câu chuyện về ngày sinh nhật Bác 19-5-1948 ở chiến khu Việt Bắc mà đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác kể lại cũng chính là một câu chuyện nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn lao như thế. Trong bữa ăn ngày hôm đó, đồng chí Vũ Kỳ có tâm sự với Bác một số vấn đề về đoàn kết của bộ phận phục vụ và thưa với Bác rằng: “Cháu làm việc với Bác đã khá lâu, nhưng chưa một lần nào cháu thấy Bác nặng lời với cháu. Thế mà chỉ mấy anh em, thỉnh thoảng chúng cháu lại cứ cáu gắt nhau”. Bác vừa ăn vừa nghe đồng chí Vũ Kỳ nói, rồi ôn tồn bảo: “Chú làm việc với Bác lâu, thì Bác làm việc với chú cũng lâu chứ, thế mà Bác có thấy bao giờ chú cáu gắt với Bác đâu!”. Đồng chí Vũ Kỳ đang ngỡ ngàng với cách đặt vấn đề của Bác thì đã nghe Bác nói tiếp, vẫn với giọng hiền từ: “Hai Bác cháu ta có gì khó khăn thì bàn bạc với nhau, cùng giải quyết, việc gì phải nặng lời, việc gì mà phải cáu gắt. Đó chính là do Bác tôn trọng chú, chú tôn trọng Bác. Vì vậy, chú cứ tự nghĩ xem, trong quan hệ công tác, các chú đã thật sự tôn trọng nhau chưa? Theo Bác, sở dĩ các chú hay cáu gắt với nhau cái chính là do các chú chưa tôn trọng nhau đúng mức”. Những lời Bác nói thật giản dị, ân tình, nhắc nhở người cán bộ, đảng viên trước hết phải có tâm trong sáng, có văn hóa, bình tĩnh trong xử sự công việc, khoan dung, độ lượng trong ứng xử, giao tiếp với nhau. Đồng chí Vũ Kỳ càng ngẫm nghĩ càng thấy thấm thía. Nóng nảy, cáu gắt đâu phải là cá tính? Nếu là cá tính thì tại sao thường chỉ nóng với cấp dưới chứ không bao giờ dám nóng với cấp trên?
Câu chuyện vẫn chưa dừng lại ở đó. Bữa ăn có thêm món chuối tiêu tráng miệng do tự tay Bác trồng. Lúc ngồi vào bàn ăn, Bác đã thân mật dặn đồng chí Vũ Kỳ ăn cơm vừa phải còn để bụng mà ăn chuối tiêu. Vừa ăn chuối Bác vừa hỏi:
“Chú thấy bánh ga tô có ngon không?
Thưa Bác, ngon lắm ạ!
Thế Bác mời chú ăn cơm, không nói cho chú biết là sẽ có bánh ga tô tráng miệng, cứ để chú ăn no căng bụng, thì lúc ăn bánh ga tô còn ngon nữa không?
Thưa Bác lúc đó thì bớt ngon ạ!”.
Đồng chí Vũ Kỳ đang cố suy nghĩ xem Bác nói chuyện này để nhằm giáo dục vấn đề gì thì Bác lại tiếp tục hỏi:
“Bớt ngon mà Bác cứ bắt chú ăn, liệu chú có khó chịu không?
Thưa Bác, khó chịu ạ!”
Bác cứ dẫn dắt như thế và Bác kết luận: “Bánh ga tô ngon nhưng ăn không đúng lúc cũng không ngon, ăn không đúng cách lại càng không ngon. Tự phê bình và phê bình cũng vậy. Phải đúng lúc và đúng cách. Và điều quan trọng là phải biết tôn trọng lẫn nhau”(2).
Chỉ qua một câu chuyện nhỏ về kỷ niệm sinh nhật Bác nhưng đọng lại cho chúng ta bài học sâu sắc: bài học về tình thương yêu con người và sự chân thành. Đó bài học của mọi bài học trong việc thu phục nhân tâm của Bác Hồ. Con người Bác Hồ, trước hết và sâu sắc nhất là con người của lòng nhân hậu, nhân ái. Nhân hậu từ mục tiêu suốt đời mà Người theo đuổi đến một việc làm bé nhỏ hàng ngày. Nhân hậu với mọi người và với cả những người lầm lỗi, mắc khuyết điểm.
Từ ngày sinh nhật 19-5-1948 ấy, trải qua 18 lần sinh nhật Bác Hồ, vào dịp sinh nhật lần thứ 76, trong tài liệu “Tuyệt đối bí mật” - bản Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta, Bác lại nhắc lại điều đó, nhưng nâng lên ở mức cao hơn. Bác đã viết tay dòng chữ “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” sau đoạn “Trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”. Ở một văn bản quan trọng đã nhiều năm suy ngẫm, ở một con người mà văn phong đã được cân nhắc từng câu, từng chữ, thì những cụm từ này thật có ý nghĩa sâu sắc. Nó cho thấy, bên cạnh tính kiên quyết trong tự phê bình và phê bình, Bác rất chú trọng tới cái tâm trong sáng trong sinh hoạt Đảng, cái “tình” trong đoàn kết, trong cuộc sống của Đảng và rộng hơn nữa là trong các mối quan hệ giữa người với người. Bác muốn căn dặn chúng ta, nếu không xuất phát từ sự tôn trọng lẫn nhau, từ “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” thì mọi cuộc tự phê bình và phê bình sẽ đưa lại kết quả không tốt đẹp, thậm chí, có thể tạo nên một bầu không khí đấu đá, một cuộc thanh trừng trong Đảng. Điều đó chỉ làm suy yếu sức mạnh của Đảng mà thôi. Kết hợp với dân chủ, “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” sẽ tạo ra được một không khí cởi mở, tin cậy, khơi dậy mọi tiềm năng sáng tạo để xây dựng Đảng, xây dựng đất nước. Luận điểm này là một cống hiến lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho ngành khoa học xây dựng Đảng và vô cùng phù hợp khi đặt trong hoàn cảnh cụ thể của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như tâm lý, truyền thống “có lý, có tình” của dân tộc Việt Nam. Bài học này, truyền thống này mãi mãi còn giữ nguyên giá trị, mãi mãi là cẩm nang để Đảng ta duy trì sức mạnh của một đảng cầm quyền, đoàn kết các lực lượng, giai tầng trong xã hội đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thành công mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.
VŨ THỊ KIM YẾN (Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch)
(1) Theo Bác đi kháng chiến, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 1980, tr.90-91
(2) Vũ Kỳ, Thư ký Bác Hồ kể chuyện, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.530-534