Bài hát “Chiếc đèn ông sao” (24/09/2010)
Trong giờ phút xao xuyến chuyển mùa, lòng người bỗng thấy rộn lên khi bất chợt nghe âm vang lời hát: “Chiếc đèn ông sao, sao năm cánh tươi màu, cán đây rất dài, cán cao quá đầu. Em cầm đèn sao em hát vang vang. Đèn sao tươi màu của đêm rằm liên hoan…”. Rồi đường phố bày đầy những chiếc đèn ông sao, đèn lồng đủ màu, từng đám trẻ múa lân khắp các ngả đường ngõ xóm… Thì ra, đã sắp Tết Trung thu.
Hầu như tất cả trẻ con Việt Nam đều thuộc lòng bài hát “Chiếc đèn ông sao” của nhạc sĩ Phạm Tuyên và cùng nhau hát vang khi phá cỗ trông trăng. Nhạc sĩ Phạm Tuyên nổi tiếng với hơn 600 ca khúc đi vào lòng người, trong đó có rất nhiều bài hát cho thiếu nhi như “Cháu lên ba”, “Cánh én tuổi thơ”, “Tiến lên đoàn viên”, “Cô giáo như mẹ hiền”, “Gặp nhau giữa trời thu Hà Nội”… Bài hát “Chiếc đèn ông sao” ra đời rất tình cờ. Năm 1956, khi đến thăm các học sinh Việt Nam tại khu học xá ở Trung Quốc, thấy các cháu đang chuẩn bị cho lễ rước đèn, trông trăng, phá cỗ… nhạc sĩ Phạm Tuyên tâm niệm phải viết một bài gì đó cho các cháu hát vui trong đêm Trung thu. Đắm mình vào sự náo nức quan sát sự vật bằng thế giới quan trẻ thơ, ông đã cảm nhận sự vui tươi, rộn ràng qua nhịp trống “tùng rinh rinh”… Trong âm hưởng của đêm rước đèn, bài hát ra đời giản dị nhưng lại làm nên một điều kỳ diệu: “Chiếc đèn ông sao”, sống mãi trong lòng bao thế hệ thiếu nhi Việt Nam.
Một cái Tết Trung thu nữa lại về. Trẻ em bây giờ không còn phải chẻ tre, phết giấy màu, tự làm cho mình những chiếc đèn ông sao nữa. Đã có rất nhiều đèn ông sao được bày bán cùng những thứ đồ chơi hiện đại. Rất nhiều đồ chơi đã thay đổi, nhưng Tết Trung thu và những đêm rước đèn, múa lân vẫn còn; trẻ em vẫ hát vang bài hát “Chiếc đèn ông sao”. Đêm rằm tưng bừng, rộn ràng hơn chính bởi giai điệu “tùng rinh rinh” vọng về từ Tết Trung thu của những năm về trước.
VŨ THỊ THỦY