Bài dự thi “Người Việt Nam ưu tiên dÙng hàng Việt Nam”: Từ sản phẩm dầu Halotec (17/12/2010)

CCB Nguyễn Ngọc Hải (ảnh) sinh ra tại làng Tây Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Thủa nhỏ, ông từng phải lam lũ với ruộng đồng nhưng chiến tranh xảy ra, năm 1971, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông đã tình nguyện lên đường vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Đơn vị ông thuộc Trung đoàn 202, Bộ tư lệnh Tăng thiết giáp. Năm 1976, ông xuất ngũ và được cử đi học đại học. Đến năm 1991, ông sang Liên Xô (cũ) học tập và đến năm 1995 thì về nước, mang theo một bí quyết công nghệ cao trong lĩnh vực hóa dầu để bước đầu ấp ủ, cho ra một sản phẩm dầu Halotec, chuyên phục vụ các loại động cơ, xe máy. Gặp lại ông sau bao tháng năm, đến nay, con người này ở tuổi xế chiều nhưng chất “thép” trong ông vẫn tỏa sáng.

Thành công nhờ bứt phá…

Có mặt ở Việt Nam năm 2003, đến nay, dầu Halotec có mặt khắp thị trường Bắc, Trung, Nam. Nhưng ít ai biết rằng, để có mặt trên thị trường rộng lớn như thế, con đường đi đưa sản phẩm của CCB Hải lại gặp nhiều khó khăn.

12 năm nghiên cứu và thử nghiệm ở trong và ngoài nước, năm 2003, sản phẩm Halotec của ông mới chính thức được người tiêu dùng chấp nhận. Lúc đầu, Công ty của ông cũng làm cầm chừng và nghe ngóng; bởi là một doanh nghiệp (DN) tư nhân nên vốn liếng cũng có hạn nếu không mở rộng được thị trường thì đồng nghĩa với DN sẽ không còn đường sống trong tương lai. Làm ra mà sản phẩm không bán được có nghĩa là đưa toàn thể anh em công nhân đi vào con đường khó khăn!

Bản thân CCB Hải là người sớm thắp trong mình ngọn lửa đam mê tìm tòi và nghiên cứu khoa học. Ông vốn dĩ là sinh viên trường đại học ngoại ngữ nhưng ông lại rẽ ngả sang Liên Xô học nghiên cứu khoa học 5 năm ròng để mang về nước những kiến thức ứng dụng trong công nghệ cao. Sản phẩm Halotec khi xuất hiện ở thị trường Việt Nam đã được nhiều chuyên gia kỹ thuật trong ngành cơ khí dùng thử và đánh giá cao về khả năng phục hồi động cơ, cũng như quy trình công nghệ tiên tiến của nó. Thế là những nung nấu của mình đã trở thành cơ hội phát triển trong doanh nghiệp của ông. Thành công ban đầu đã thực sự có tính quyết định mở đường đi lên cho DN những giai đoạn tiếp theo.

Vượt lên từ nội lực…

Song song với việc ứng dụïng và sử dụng công nghệ cao trong sản phẩm, chính sách chăm sóc khách hàng được ông chú trọng nên danh sách khách hàng ngày càng dài hơn trong sổ theo dõi của Công ty. Từ đây đời sống và thu nhập của cán bộ công ty cũng ngày càng ổn định và được nâng cao dần.

Hiện DN có trên 40 công nhân nhưng những công nhân, chủ yếu là con em thương binh, gia đình liệt sĩ và có công với cách mạng, được ông thu nhận, ưu tiên sử dụng. Mức lương CCB Hải trả cho mỗi công nhân từ 2,5 đến 3 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài việc tạo công ăn việc làm, ổn định cho người lao động, sản phẩm Halotec đến nay còn nhận được nhiều giấy khen, bằng khen, huân chương, cúp vàng khi tham gia các hội chợ thương mại, triển lãm trên toàn quốc. Từ một DN tư nhân nhỏ, kém sức cạnh tranh, nơi đây đã trở lên sáng ngời với gương mặt của một thương binh- CCB làm kinh tế giỏi và đam mê nghiên cứu, ứng dụng khoa học kĩ thuật vào trong thực tế đời sống. Halotec là một thương hiệu cho DN và cho riêng CCB Hải. Vậy là từ ý chí của một người lính, được tôi luyện trong chiến tranh đến ý chí của một doanh nhân trong thời buổi kinh tế thị trường, người lính năm xưa đã tạo ra ngọn lửa nhiệt tình cho toàn thể cán bộ, công nhân viên đồng lòng xây dựng và gắn bó, đưa Công ty CP Phương Hải Long phát triển. CCB Hải đã thành công nhờ biết bứt phá và tận dụng những nội lực của DN.

Nguyện vọng của ông mong được đưa sản phẩm Halotec phục vụ trong lĩnh vực quân sự, bảo quản vũ khí và tăng tuổi thọ cho các phương tiện chiến đấu của quân đội ta. CCB Hải cho biết, bởi dầu Halotec là sản phẩm được chế tạo từ quặng gốc Crom và các khoáng chất từ thiên nhiên tổng hợp lại, có tác dụng trung tu động cơ mà không cần mở máy, tái tạo lại sức mạnh động cơ với phương pháp tạo ra một lớp mạ Crom siêu mỏng trên bề mặt ma sát cũ, bằng một phản ứng khuyếch tán có sự xúc tác, tạo ra tia lửa điện trong buồng đốt. Ông cho hay, công nghệ này cũng đã từng được NATO ứng dụng trong bảo quản vũ khí quân sự…

Bài và ảnh: Hữu Doanh