Đầu năm 1964 chị sinh con trai. Con được vài tháng thì chồng chị lên đường nhập ngũ.
Một mình tần tảo vất vả nuôi con. Tưởng anh đi, ở nhà chị có con bên cạnh an ủi. Thế nhưng càng lớn con chị càng không bình thường. Mắt bị viêm sưng rồi ngày một mờ dần. Chị mòn mỏi mong anh trở về để cùng chị bàn cách chữa bệnh cho con. Thế nhưng 11 năm anh không trở về.
Đến ngày giải phóng 30-4-1975, những người xung quanh vui mừng chiến thắng và đón người thân đi chiến đấu trở về. Chị cũng khấp khởi từng phút, từng giây mong anh mau chóng trở về. Nhưng... Một ngày, chị nhận được tin báo tử của anh. Chị đã gục ngã.
Chị lại cố gắng gượng dậy để chăm sóc cho con. Chị đã chắt chiu, vay tiền cõng con đi mấy bệnh viện Hải Hậu, Nam Định, Hà Nội mà bệnh tình của con chị ngày càng nặng. Mắt thì sưng đỏ không nhìn rõ, bị liệt không đi lại được, không xúc ăn được, thân hình cong queo. Không có chị, ai thổi cơm cháo đút cho con, ai đổ bô tắm rửa cho con. Hằng ngày, chị cố sức cõng con ra ngoài để con hóng gió, phơi nắng.
Có một số người đàn ông chẳng may vợ mất sớm, thương cảm cho hoàn cảnh của chị muốn cùng chị nên duyên vợ chồng. Thế nhưng chị quyết không đi bước nữa. Chị bảo, đi lấy chồng nữa chị có thể sung sướng hơn nhưng con chị chắc chắn rồi khổ và nhất là chị muốn giữ chung thủy với anh.
Những năm đói kém con lại bị tàn tật nên kinh tế của chị rất khó khăn. Có gì ăn, hay tấm quần, tấm áo chị đều nhường cho con. Chị thường ăn đói mặc rách.
Năm 45 tuổi, trong một đợt nắng nóng kéo dài, con chị không trụ được lại bỏ chị ra đi.
Chị thực sự gục ngã. Đến đứa con tàn tật-niềm vui, niềm an ủi duy của chị cũng vụt biến mất.
Nhưng chị lại cố gắng gượng dậy để chắt chiu lo bốn chín; một trăm ngày cho con, để cải mộ, xây lăng cho chồng, cho con.
Giờ chị sống cô đơn, quạnh hiu một mình bên bàn thờ chồng và con. Chị chờ đến những ngày mùng một; tuần rằm và ngày giỗ của chồng và con, chị lại làm cơm bày lên bàn thờ mời chồng và con về ăn.
Bài và ảnh: Đỗ Thi Hiên