Bài dự cuộc thi “Sâu nặng ân tình”: Người thương binh làm theo lời Bác
Sau ba tháng huấn luyện tân binh tại Trung đoàn 22, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, chú được điều về Trung đoàn 270, Quân khu 4, rồi vượt Đèo Ngang, men theo dãy Trường Sơn, qua sông Gianh tiến vào Quảng Trị.
Chú không thể nào quên được, mùa xuân năm 1966, khi đơn vị vừa đến điểm tập kết thì những trận pháo kích từ bờ Nam dội sang chát chúa. Đơn vị lắp đặt pháo vào vị trí chiến đấu, đó là trận đánh đầu tiên của cuộc đời, khi đó chú là pháo thủ 37 ly. Sau đó đơn vị được điều về bảo vệ đê La Ngà, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Năm 1967, chú được chuyển sang Trung đội pháo mặt đất, chặn đánh các tàu tuần tiễu của Mỹ dọc bờ biển Vĩnh Linh. Tháng 5-1967, đơn vị chuyển về bờ Bắc sông Hiền Lương, ngày đêm nã pháo sang bờ Nam tiêu diệt sinh lực địch. Ngày 2-7-1967, trong một trận giao chiến ác liệt, chú Vân bị thương rất nặng ngất đi. Khi tỉnh dậy chú thấy toàn thân đau buốt, cựa mình thì phía chân bên phải nhẹ bẫng. Cô y sĩ nói nhỏ: các bác sĩ đã rất khó khăn khi quyết định cắt 2/3 chân anh nếu không sẽ hoại tử. Giọt nước mắt chảy dài bên thái dương, bấy giờ chú mới biết là mình đã mất một chân. Ít hôm sau chú được chuyển ra Bệnh viện Quân y 4, tại Nghệ An. Qua hai tháng điều trị chú được chuyển về Đoàn an dưỡng 200-Quân khu 4.
Lần chú về thăm gia đình sau 4 năm nhập ngũ. Đó là một ngày mùa thu năm 1968, chúng tôi đang chơi trò đánh giặc giả ở nhà ông bà nội thì chú xuất hiện với bộ đồ Tô Châu, đầu đội mũ cối, lưng khoác ba lô, tay chống nạng, bước đi khập khiễng, mỗi lần đặt chân xuống tiếng két két lại phát ra từ cái chân gỗ. Tôi và hai đứa em con của chú cứ trân trân đứng nhìn. Đến lúc bà nội từ trong bếp chạy ra ôm lấy chú, cả hai mẹ con khóc òa, bà nội kêu lớn: “Ông ơi, bà con ơi, thằng Vân, thằng Vân chưa chết, nó về đây rồi”. Ông tôi đang kéo gàu nước từ giếng, thả cái “ùm”, chạy lại. Ông đứng sững một hồi lâu rồi ôm vai chú, hai bố con lại sụt sùi. Ông nói trong tiếng nấc: “Thế là tốt rồi, thế mà dân làng đồn mày đã hy sinh, làm mẹ hằng đêm úp mặt vào vách đất khóc rưng rức”.
Ông đỡ chú vào nhà rồi vào bảo cái Minh - con gái đầu lòng của chú chạy ra đồng gọi mẹ về. Một lúc sau mợ tôi hớt hải quần áo dính đầy bùn đất, ống cao, ống thấp chạy vào ôm lấy chú. Cả hai chú mợ đều khóc, mấy đứa trẻ chúng tôi cứ tròn mắt hết nhìn người đến nhìn chân. Thằng Thông-con thứ hai của chú ngồi xuống sờ vào cái chân gỗ rồi nắn nắn so sánh hai cái chân của chú. Sau này lớn lên tôi mới hiểu, chiến tranh đã cướp đi một phần thân thể của chú, tôi thương chú nhiều hơn và luôn coi chú như người cha thứ hai của tôi vậy.
Về thăm nhà được hai tuần, chú lại trở về Đoàn an dưỡng 200. Sau đó, Đoàn an dưỡng liên hệ cho chú được chuyển ngành về Ty Thương nghiệp Nghệ An, theo học nghề cắt may. Đến năm 1972, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, chú về quê làm kế toán HTX, ngoài giờ chú lại nhận cắt may quần áo cho bà con; rồi làm nghề mộc, đóng tủ giường, bàn ghế… Chú bảo giờ về nhà nếu không có nghề phụ với mợ mấy đứa em chết đói mất. Khoản phụ cấp ít ỏi (thương binh hạng 2/4) của Nhà nước và phụ cấp làm ở HTX chưa đủ tiền mua thuốc. Cái chân bị thương của chú cứ đùn ra như sợi gân thường xuyên rỉ mủ. Chú mua thuốc tự rửa rồi băng bó lấy. Những ngày trái gió trở trời, chú đau đến xanh xao trông thật tội nghiệp. Mặc dù đau đớn, thiếu thốn nhưng chú chưa bao giờ than vãn, miệng luôn nở nụ cười tươi. Chú bảo: Mình còn may mắn sống sót là phúc lắm; còn đôi bàn tay lành lặn, đầu óc minh mẫn là phải lao động, có lao động mới rèn luyện được thể lực, chống được bệnh tật. Tôi nhớ mãi hình ảnh chú với chiếc máy khâu con bướm ngồi quay mặt ra cửa sổ dưới ánh đèn dầu leo lét, vừa cắt, vừa cặm cụi may. Nhiều lúc chú phải thức đêm may cho kịp hẹn, nhất là những ngày học sinh sắp vào học và khi giáp tết. Áo quần chú cắt may không được đẹp, sắc nét nhưng đường may rất cẩn thận. Trong HTX, chú là người thợ may mặc đầu tiên nên ai cũng đến, phần thì gần, phần thì thương hoàn cảnh, giúp chú có việc để làm kiếm thêm thu nhập.
Những năm sau giải phóng, hàng may mặc sẵn phát triển, khách thưa dần, hàng mộc cũng ít, thu nhập không đủ nuôi gia đình, chú phải nhận thêm ruộng để làm. Chú lại cà nhắc theo trâu cày, bừa, cấy, gặt, việc nào cũng làm được. Hình ảnh chú với chiếc chân gỗ theo sau con trâu dưới ruộng sâu, cày xong, quay lại bừa rồi khom lưng cấy lúa giữa ngày đông giá lạnh. Lâu lâu lại dùng cả hai tay nhắc cái chân gỗ lên khỏi bùn; ai đi qua cũng ngoái lại nhìn với ánh mắt khâm phục.
Các con chú lớn dần. Năm 1983, đứa lớn vào Nông trường Việt Đức (Đắk Lắk), rồi kéo theo mấy anh em cùng đi. Năm 1990, chú quyết định bán nhà, vườn đưa gia đình vào làm công nhân ở Nông trường Việt Đức với các con. Hai năm sau, nông trường gặp khó khăn, chú chuyển về xã Chư Ka Bô, huyện Krông buk, tỉnh Đắk Lắk, dành dụm mua 2ha cà phê rồi khai phá, mở mang, vay mướn anh em, bạn bè mua phân bón, cây giống, trồng thêm 3ha cà phê. Ngày đêm chú đào hố, chăm bón, tỉa cành, một mình vật lộn với vườn cây. Đất không phụ lòng người, ba năm sau, vườn cà phê xanh tốt cho thu hoạch bói; bán sản phẩm chú lại tiếp tục mua phân bón đầu tư cho mùa vụ tiếp.
Những năm sau, vườn cà phê của gia đình chú luôn trĩu quả, bà con làng xóm ai cũng tấm tắc khen. Tin lành đồn xa, nhiều người ở các xã bên đến tham quan, học tập kinh nghiệm, nhiều đoàn về quay phim, viết bài ca ngợi tấm gương người lính Cụ Hồ; “Người thương binh làm theo lời Bác”, “Người CCB làm kinh tế giỏi”… Ngoài Huân chương Giải phóng hạng ba của Nhà nước tặng thưởng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chú Lê Đắc Vân còn được tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen các cấp. Chú Vân là tấm gương sáng về lòng nhân hậu, chịu thương, chịu khó, không ỷ lại, không trông chờ. Bài học về đạo đức, nhân cách để bà con lối xóm và mãi mãi lớp con cháu chúng tôi noi theo.
Lê Thị Hạnh Lý