Bài dự cuộc thi “Sâu nặng ân tình”: Kỷ niệm không quên
Đêm sơ tán hai trường mỗi đứa một miền quê
Có lạnh không em Đại Từ, Yên Thế
Những cánh thư men lối rừng lặng lẽ
Ngọn đèn khuya thao thức nối hai đầu.
Năm 1968-1969, chiến tranh tạm lắng để hai bên ngồi vào bàn Hội nghị Pari, phân chia ranh giới đóng quân ở miền Nam. Lớp Tổng hợp của Dũng về thôn La Khê, Hà Đông. Còn tôi tháng 8-1969 được về thực tập tại Hà Nội. Mấy lần tôi đạp xe vào La Khê thăm Dũng. Cũng tại đây tôi gặp những bạn học của em như Nguyễn Ngọc Ký, Bế Kiến Quốc, Lê Huy Hoà… Mỗi lần tôi vào La Khê, bao giờ anh em cũng tâm sự với nhau về tương lai và thấy em nhất quyết khi tốt nghiệp xong sẽ xin vào bộ đội. Mục đích là được tiếp cận với thực tế đương thời lấy trải nghiệm, tư liệu làm vốn liếng để viết. Thời ấy rất nhiều sinh viên nghĩ và làm như thế. Tôi không phản đối em, bởi hồi đó lớp thanh niên đều coi lý tưởng là trên hết. Không biết hoài bão mọi người thế nào nhưng vốn sống với một cử nhân Văn khoa xa hơn là một nhà văn thì thời nào cũng rất cần thiết. Luận văn tốt nghiệp của Dũng được thầy Lê Đình Kỵ hướng dẫn. Tôi biết Dũng rất kính trọng học vấn của vị Giáo sư này. Và trò giỏi, thầy giỏi nên vừa bảo vệ xong, bạn bè đồng môn ai cũng tin rằng đạt điểm cao nhất. Đúng như dự định, xong đận này Dũng viết đơn tình nguyện vào bộ đội lúc chưa kịp nhận bằng tốt nghiệp của nhà trường. Em nói với tôi một câu, không ngờ đó là một câu cuối cùng: "Anh ạ, đời em chỉ có một con đường!". Làm sao mà tôi quên được kỷ niệm những ngày tháng năm 1970 ấy! Nhập ngũ xong, Dũng tập kết luyện quân ở Đa Phúc (nay là Sóc Sơn, Hà Nội). Mấy tháng sau, cùng đồng đội hành quân vào chiến trường miền Nam. Đến Quảng Bình, Dũng đã được in ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội bài thơ: "Chuyện nhỏ Quảng Bình" và một vài bài khác. Guồng quay ác liệt của chiến tranh ngày càng tăng tốc. Em vào Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, tôi dám chắc nơi đây, lúc ấy viết lách làm sao được khi mạng sống đang đặt trên đe, dưới búa bom đạn. Có chăng chỉ là khoảnh khắc ghi nhận ý tưởng mà thôi!
Vậy, ai dám nói điều hy sinh tránh khỏi với cuộc chiến, dù có được đào tạo rèn đúc đến chừng nào? Ngày báo tử Dũng (năm 1973) ở quê, tôi cũng có mặt. Trên mảnh sân rộng, nơi tuổi thơ anh em từng có những bước chân chập chững. Thế mà nay, đông nghịt người, quá nhiều tiếng khóc và nước mắt. Tôi ra đứng bên cây mận đầu nhà đang lá xanh và những chùm quả non rũ xuống. Sau lễ truy điệu, tôi đã làm bài thơ "Cây mận đầu nhà" với những tưởng tượng:
Giờ em nằm trên đất Cam Lộ, Gio Linh
Đồng đội đặt em mắt nhìn ra biển.
Tưởng tượng để mà yên lòng, chứ thân xác hồn vía Dũng hơn 40 năm nay ai biết ở đâu? Đến bây giờ hài cốt của em cũng vẫn chưa thấy mặc dù gia đình đã quá nhiều công sức tìm kiếm. Em ra đi mãi mãi mang theo bóng cây mận đầu nhà (dẫu bây giờ không còn nữa) và những hạt phù sa tháng ngày cần mẫn đắp bồi chân cỏ nơi bờ đê sông Đáy quê tôi.
Bạn bè cùng lớp, cùng khóa Ngữ văn Tổng hợp ngày ấy rất nghĩa tình. Trong số này từ khi còn ở trường, tôi biết có người bạn học gái của Dũng là Nguyên Bình - sau này là phóng viên Báo Quân đội - con của nguyên uỷ viên T.Ư Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh Ủy Thanh Hoá, nguyên Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc-Nguyễn Trọng Vĩnh. Bình đã về quê ngoại tôi mấy lần cả lúc chiến tranh, tàu xe phương tiện khó khăn và khi hòa bình mới thấy tình bạn thủy chung đến vậy?
Bây giờ trong nhà thờ khang trang, vẫn thấy treo mấy bức ảnh bạn bè đến thăm khi em đã về với cát bụi. Họ đã thành đạt, họ đã có tuổi nhưng tình bạn thì như chưa bao giờ cũ. Họ thắp cho hương hồn Dũng một nén nhang mong được gặp lại thời giảng đường ngày xưa. Thêm một chi tiết nữa, dịp đi trại sáng tác Hội Nhà văn Việt Nam ở Đại Lải cùng với nhà thơ Nguyễn Thị Hồng mới biết Hồng cũng học lớp Tổng hợp văn với Dũng. Tôi đưa cả bài thơ "Cây mận đầu nhà" viết về người em trai liệt sĩ cho chị để in chung vào một tập thơ của sinh viên Ngữ văn Tổng hợp khoá 1966-1970 .
Các bạn của Dũng ân tình thế, tiếc rằng em đã ra đi vì Tổ quốc khi còn quá trẻ ...
Đào Vĩnh