Bài chòi - hồn cốt miền Trung

Giống như người xứ Kinh Bắc hát Dân ca quan họ, người Nam Bộ hát Đờn ca tài tử, thì người dân Trung Bộ cũng say mê hát Bài chòi. Chả thế mà ở Bình Định hầu như không mấy ai không thuộc câu ca: “Rủ nhau đi đánh Bài chòi/ Để con nó khóc mà lòi rún (rốn) ra”; hay: “Thà rằng ăn mắm mút dòi/ Cũng nghe Bài chòi cho sướng cái tai”...
Hát Bài chòi là hát từ sâu thẳm nỗi lòng mình, hát để dãi bày nguyện ước, để khuyên bảo người làm việc thiện, tránh việc tà ác. Vừa hát vừa rút thẻ, đối nhau giữa chòi này với chòi khác, hay tự sự giãi bày thân phận: "Hồi nào đói rách có qua/ Bây giờ nên xưởng nên nhà lại lơ". Chòi bên ý tứ đáp:“Cũng vì chai rượu gói nem/ Mà cha mẹ đã gả em đi rồi/ Còn gì than thở anh ơi/ Chỉ thêm đau ruột, em có chồng rồi, biết sao!"...

Tuy Bài chòi là loại hình nghệ thuật dân gian không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân Trung Bộ, nhưng cho đến nay sử sách vẫn chưa xác định được chính xác nguồn gốc Nghệ thuật Bài chòi.

Tương truyền, vào khoảng thế kỷ XVI, để bảo vệ hoa màu, dân làng dựng chòi cắt cử người trông coi, cứ thấy thú dữ là đánh trống, hô hoán... và người canh gác nghĩ ra cách vừa chơi bài, vừa giao lưu với nhau giữa chòi này với chòi khác bằng những lời ca, câu hát và được dân gian gọi là hô bài chòi - khởi nguồn của Nghệ thuật Bài chòi sau này ở các tỉnh trung Bộ, nhưng Bình Định được xem là cái nôi của di sản Nghệ thuật Bài chòi.

Phát triển nhất cuả Nghệ thuật Bài chòi là giai đoạn chống Pháp. Từ bộ đội, nhân dân, đến dân công hỏa tuyến ai ai cũng hát Bài chòi, vừa sinh hoạt văn hóa văn nghệ vừa kết hợp tuyên truyền miệng rất hiệu quả.

Ở thời đại 4.0 để duy trì, phát triển Nghệ thuật Bài chòi là công việc hoàn thoàn không đơn giản, khó nhất là môi trường lao động, sinh hoạt mang hồn cốt miền Trung - nơi “nắng nhiều, gió lắm” đã sản sinh ra những con người can trường, có khả năng chịu đựng vượt qua khó khăn đến phi thường, nhưng lại dạt dào yêu thương.

Phạm Đông