Bác sĩ Hiếu ở vùng biên

Bác sĩ Nguyễn Văn Hiếu.
Lần theo địa chỉ, chúng tôi tìm đến thôn Động Lãm, phường Phú Lương, Hà Đông gặp Hiếu. Tranh thủ thời gian về nhận giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2017, anh về nhà gặp vợ, con. Dù vừa trải qua chặng đường dài hơn 600km nhưng Hiếu vẫn nhiệt tình tiếp chuyện chúng tôi. Hiếu kể: “Là một người trẻ, bản thân lại thích tham gia các hoạt động tình nguyện, nên khi biết được dự án bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại vùng khó khăn (Dự án 585 của Bộ Y tế), em đã viết đơn ngay”.

Trong thời gian chờ xét duyệt đơn, em đã xin được vào làm việc tại Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Thanh Nhàn, tất cả thủ tục đã hoàn thiện, ngày mai sẽ là ngày đi làm đầu tiên của em thì hôm nay nhận được thông báo của Bộ Y tế trúng tuyển vào Dự án, Hiếu đã quyết định từ bỏ công việc “ngon lành” tại Hà Nội để tham gia Dự án này.
Bác sĩ Nguyễn Văn Hiếu tận tình chăm sóc bệnh nhân như con đẻ của mình.

Đối với các bạn cùng tham gia Dự án có người chọn nơi này nơi khác nhưng với Hiếu thì khác: “Khi viết đơn, em nói rõ rằng em sẵn sàng đi bất cứ đâu, nơi nào điều kiện kinh tế khó khăn, nhân lực thiếu thốn thì em xin đi, thế là em được về Mường Nhé” - Hiếu hồn nhiên nói.

Biên chế vào Khoa Nội nhi, nhưng Hiếu phải đảm nhiệm đến 4 chức năng: Nội khoa, Nhi khoa, Sản khoa và Đông y. Nhưng điều khó khăn bất cập nhất với Hiếu đó là phong tục tập quán của đồng bào và bất đồng ngôn ngữ.

Hiếu tâm sự: “Khi bị bệnh trước hết họ chữa theo kinh nghiệm dân gian như: đánh cảm, đánh gió, mượn thầy lang... đến khi quá lắm thì họ mới đến bệnh viện, vì vậy bệnh nhân đến được bệnh viện thì bệnh đã rất nặng. Ở đây, bệnh nhân chủ yếu là người Mông, đa phần không biết nói tiếng Kinh nên em thường phải nhờ người phiên dịch. Để biết họ bị làm sao, đau ở đâu? Có đỡ không?...”.

Nhưng, sau 7 tháng gắn bó với bà con, đến nay Hiếu đã giao tiếp cơ bản với bệnh nhân bằng tiếng Mông. Hiếu cho rằng, để điều trị tốt cho bệnh nhân, trước hết phải hiểu họ, biết được họ mong muốn gì, cần gì? Khi mình nói chuyện được, bệnh nhân cũng thấy gần gũi và càng thêm quý trọng bởi một người dưới xuôi lên không chỉ chữa bệnh mà còn biết nói tiếng của họ.

Hiếu cho rằng, nhiều bà con đồng bào dân tộc thiểu số chưa tin tưởng vào cách chữa bệnh của bác sĩ như “khi họ bị tiêu chảy, dẫn đến mất nước, mình cho bệnh nhân uống nước bù điện giải (oresol) thì bà con không cho uống vì cho rằng, đã bị tiêu chảy lại cho uống thêm nước thì càng đi nhiều hơn nên họ không uống nữa. Hay, có người bị bệnh ghẻ, nấm... họ không đến bệnh viện điều trị ngay mà ở nhà tự ý mua thuốc xịt muỗi về xịt, họ quan niệm xịt được muỗi thì cũng sẽ xịt được vi khuẩn, nấm. Nhưng xịt mãi không khỏi thì họ mới vào bệnh viện...”. Những trường hợp như vậy Hiếu phải mất hàng giờ đồng hồ để giải thích cho bà con, lần sau họ không làm như vậy nữa mà khi có bệnh phải đến bệnh viện thăm khám ngay.

Hiện tại, ngoài công việc chuyên môn, Hiếu tham gia giảng dạy 2 buổi/tuần cho các đồng nghiệp tuyến cơ sở, trạm y tế xã và làm Chủ nhiệm đề tài “Mô hình bệnh tật tại khoa Nội - Nhi, Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé”.

Câu chuyện của chúng tôi thỉnh thoảng lại ngắt quãng vì hai đứa con của Hiếu, cháu lớn gần 2 tuổi, cháu bé mới sinh hơn 4 tháng. Con còn thơ dại, vợ Hiếu bị u tuyến giáp nhưng cả 2 vẫn rất vui vẻ, lạc quan cùng nhau hướng tới những việc thiện nguyện.

Chia tay ra về mà những câu nói của anh vẫn còn văng vẳng bên tai tôi: “Em chỉ mong mình có đủ sức khỏe để cống hiến nhiều hơn cho xã hội, cho nơi mà em đang gắn bó...”.

Minh Vũ