Bắc Ninh - Một CCB bị bắt ngay tại tòa: Kiến nghị xem xét lại vụ án dấu hiệu oan sai
Kính gửi Báo CCB Việt Nam
Văn phòng luật sư Sơn Hoàng và cộng sự (luật sư Hoàng Hữu Sơn và Nguyễn Thị Huyền Trang) bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Vũ Công Sửa. Bị cáo Vũ Công Sửa là CCB của Sư đoàn PKKQ chiến đấu ở mặt trận Tây Nam, sau khi hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, là cán bộ quân đội nghỉ hưu, là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam và là hội viên Hội CCB Việt Nam tại thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội CCB Phố Chờ từ năm 2006 đến 2014.
Mẫu thuẫn trong diễn biến vụ án
Bị cáo Vũ Công Sửa bị các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Yên Phong điều tra truy tố xét xử về tội cố ý gây thương tích theo Điều 104 BLHS năm 2003 và tuyên phạt 24 tháng tù giam. Sau phiên tòa sơ thẩm của TAND huyện Yên Phong, bị cáo có đơn kháng cáo và khiếu nại gửi nhiều cơ quan. Luật sư chúng tôi đã có kiến nghị đề nghị VKSND tỉnh Bắc Ninh kháng nghị toàn bộ Bản án số 98/2016/HSST của TAND huyện Yên Phong và kiến nghị TAND tỉnh Bắc Ninh đình chỉ vụ án và tuyên bị cáo Vũ Công Sửa vô tội. Ngày 19-1-2017, TAND tỉnh Bắc Ninh xét xử phúc thẩm, ra Bản án số 07/2017/HSPT với quyết định giữ nguyên Bản án số 98/2016/HSST ngày 26-9-2016 của TAND huyện Yên Phong, bắt bị cáo tại tòa. Sau phiên tòa phúc thẩm, chúng tôi có kiến nghị khẩn cấp đến ông Viện trưởng VKSND tối cao và Chánh án TAND tối cao.
Trách nhiệm của luật sư là góp phần bảo vệ công lý và tránh oan sai trong vụ án này. Qua hồ sơ vụ án và diễn tiến tại các phiên tòa, luật sư chúng tôi thấy rằng trong vụ án có mâu thuẫn giữa lời khai của bị cáo, của bị hại và các chứng cứ khác, không đủ chứng cứ, chứng minh ông Vũ Công Sửa phạm tôi “cố ý gây thương tích”, cụ thể như sau:
Tại các BL 75-76-77-78-79-82-83-85-86-106-107: Suốt quá trình điều tra vụ án từ ngày 25-8-2014 đến 17-3-2015, ông Ngô Văn Phụng tự nhận ông Vũ Công Sửa chỉ gây thương tích cho ông một cái vào thái dương trái được kết luận giám định pháp y ghi nhận. Theo ông Phụng khai thì vết thương này cũng không thể do ông Sửa gây ra cho ông Phụng được. Lý do: “Ông Phụng cho rằng ông Sửa tay phải rút từ túi quần lên, cầm ngang quả búa, cán 10cm đánh từ dưới lên, từ phải qua trái” thì không thể gây ra vết thương hình chữ “L” được.
Mâu thuẫn giữa hồ sơ giám định pháp y với xác nhận thương tích của các bệnh viện nơi khám ban đầu là Bệnh viện đa khoa Yên Phong, Bệnh viện Thanh Nhàn. Cơ quan điều tra lấy báo cáo y tế của bệnh viện Vinmec (của Tập đoàn Vingruop) để giám định là thiếu khách quan và không chính xác. Bởi lẽ, với vết thương tụ máu dưới màng cứng 3,3mm ngày 25-8-2014 được chụp lúc mấy giờ? Đến ngày 26-8-2014 còn 2mm, sáng 27-8-2014, ông Phụng đã ra viện. Đối với người bị chấn thương sọ não, tụ máu dưới màng cứng thì không thể khỏe mạnh minh mẫn từ khi xảy ra vụ việc khoảng 14 giờ ngày 25-8-2014. Nhưng ông Phụng sau khi rời Bệnh viện đa khoa Yên Phong, vẫn về làm việc tại cơ quan Công an thị trấn Chờ đến 20 giờ, sau đó ông về nhà ở tại phòng số 706, tòa nhà T3 Times City, (Hà Nội). Ngày 26-8-2014, Công đoàn cơ quan nơi ông Phụng và ông Sửa công tác đến thăm, thì ông Phụng bình thường. Sáng 27-8-2014, ông Phụng ra viện, chiều ngày 27-8-2014, bà Nam vợ ông Sửa và em trai bà Nam (là ông Hà) đến nhà ông Phụng thăm thì thấy ông mặc quần đùi đang chơi với cháu, khỏe mạnh bình thường (BL106). Trong ngày 27-8-2014, ông Phụng minh mẫn còn làm đơn đề nghị thu giữ chứng cứ, có xác nhận của UBND phường Thịnh Liệt. Ngày 28-8-2014, ông vào Bệnh viện Thanh Nhàn thì chỉ còn hai vết thương và không còn vết thương tụ máu dưới màng cứng. Trong quá trình điều tra truy tố xét xử, ông Vũ Công Sửa và luật sư đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng giám định lại vết thương của ông Ngô Văn Phụng, nhưng cơ quan tiến hành tố tụng lại yêu cầu cơ quan giám định ban đầu giám định lại là thiếu khách quan, không đúng đắn trong giải quyết vụ án.
Không thu giữ được hung khí vụ án vẫn… truy tố
Cơ quan điều tra truy tố xét xử chỉ dựa vào lời khai của ông Ngô Văn Phụng là ông Sửa dùng búa cắt cán ngắn gây thương tích cho ông Phụng, trong khi đó không một nhân chứng nào nhìn thấy, cơ quan điều tra cũng không thu giữ được vật nào cầm vừa lòng bàn tay như ông Sửa khai và búa cắt cán ngắn dài khoảng 10cm gây thương tích như ông Phụng khai. Nhưng cơ quan điều tra vẫn truy tố ông Vũ Công Sửa gây tổn hại 21% sức khỏe cho ông Phụng.
Ngược lại đối với hung khí ông Ngô Văn Phụng dùng con dao nhọn đâm xỉa liên tiếp vào người ông Vũ Công Sửa, gây thương tích ở ngực trái cho ông Sửa (xác định tỷ lệ 2% thương tích). Sau khi truy sát ông Sửa không được vì có anh Phục (nhân viên của Công ty ông Phụng và ông Sửa) can ngăn thì ông Phụng dùng viên gạch lỗ nguyên ném về phía ông Sửa và cầm dao quay lại phòng làm. Cả hai hung khí này cơ quan công an cũng không thu giữ.
Bên cạnh đó, trong quá trình giải quyết vụ án tại Bản án số 43/2015/HSST của TAND huyện Yên Phong thì cơ quan điều tra làm thất lạc bản ảnh khám nghiệm hiện trường. Bản án này sau đó bị TAND tỉnh Bắc Ninh tuyên hủy, yêu cầu xét xử lại từ đầu. Quá trình giải quyết vụ án, ông Ngô Văn Phụng luôn che giấu việc chiếc bàn làm việc của ông không có ngăn kéo, nhưng thực tế bàn làm việc của ông có hộc tủ 3 ngăn kéo. Trong quá trình điều tra lại, cơ quan cảnh sát điều tra không xem xét chiếc bàn làm việc của ông Phụng dịch ra 30cm và ngăn kéo bị xô ra ngoài và lý do làm xê dịch, ai làm xê dịch? Luật sư chúng tôi cho rằng chính ông Ngô Văn Phụng khi truy sát ông Vũ Công Sửa vấp ngã làm xê dịch, tất cả các vết thương của ông Phụng đều do ông tự ngã mà nên.
Từ hồ sơ vụ án và diễn tiến tại các phiên tòa, luật sư chúng tôi thấy cơ quan điều tra cũng như Tòa án không làm rõ được vết thương nào ông Vũ Công Sửa gây ra cho ông Ngô Văn Phụng. Đáng nói, Cơ quan tiến hành tố tụng chỉ căn cứ vào lời khai của ông Phụng và căn cứ vào bản kết luận giám định pháp y để truy tố là không khách quan, có nhiều dấu hiệu oan sai. Điều đáng nói, ông Vũ Công Sửa không phải là đối tượng nguy hiểm cho xã hội, có nơi ở ổn định; trong suốt diễn biến vụ án (từ ngày 25-8-2014 đến khi xét xử) ông Vũ Công Sửa luôn chấp hành nghiêm mọi yêu cầu của các cơ quan điều tra truy tố xét xử, thế nhưng phiên tòa phúc thẩm, HĐXX vẫn tuyên bắt giam ông Vũ Công Sửa ngay tại tòa khi chỉ còn cách Tết Nguyên đán Đinh Dậu có… 6 ngày.
Với những tình tiết mẫu thuẫn, nhiều dấu hiệu oan sai đối với CCB Vũ Công Sửa, Văn phòng luật sư Sơn Hoàng và Cộng sự kính đề nghị Báo CCB Việt Nam, cùng toàn thể hội viên hội CCB Việt Nam lên tiếng, bảo vệ công lý, bảo vệ sự thật, khách quan toàn diện vụ án, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, của hội viên CCB theo quy định của pháp luật. Đề nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính Phủ cùng các cơ quan tư pháp xem xét lại toàn bộ vụ án, tránh làm oan sai cho ông Vũ Công Sửa.
Chúng tôi xin chân thành cảm ơn!
CCB, luật sư Hoàng Hữu Sơn
(Trưởng Văn phòng luật sư Sơn Hoàng và Cộng sự)