Bắc Kạn: Di tích lịch sử bị xà xẻo như thế nào? (29/02/2012)
Theo hồ sơ vụ việc, thì mọi việc liên quan đến xây dựng di tích Nà Pậu đã diễn ra khá nhanh, vì trong ngày 24/11/2009, Sở VHTT&DL Bắc Kạn đã có văn bản số 160/TB-SVHTT&DL gửi Công ty TNHH một thành viên Tôn tạo và phục chế công trình văn hoá Việt (Cty văn hoá Việt) trúng thầu xây lắp công trình, tức thì cùng ngày 24/11/2009 được UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành Quyết định số 3582/QĐ-UBND, phê duyệt kết quả chỉ định thầu xây lắp đối với Cty văn hoá Việt.
Chỉ trong một ngày, Cty văn hoá Việt nhận được 02 văn bản quan trọng của Sở và UBND tỉnh Bắc Kạn và ngay lập tức ngày hôm sau 25/11/2009, ông Cao Sinh Hanh, Giám đốc Sở và ông Nguyễn Văn Trinh – Giám đốc Cty văn hoá Việt, ký hợp đồng kinh tế xây lắp công trình Di tích Nà Pậu với tổng giá trị là 5.915.184.000 đồng, đồng thời sang ngày 26/11/2009 tiếp tục ký chỉ định thầu Chi nhánh Công ty cổ phần tư vấn, Đầu tư kiểm định và xây dựng Hà Nội (cty kiểm định XDHN) làm tư vấn giám sát thi công công trình và tiếp tục ký hợp đồng kinh tế ngay ngày hôm sau 27/11/2009…, tiếp theo là loạt chuyển tiền bên A tạm ứng cho bên B vào các ngày 16/12/2009 chuyển cho Cty văn hoá Việt là ba tỷ đồng chẵn, ngày 18/12/2009 chuyển cho Cty kiểm định XDHN số tiền đánh giá hồ sơ hai bốn triệu đồng…
Biết rõ việc thi công hạng mục lán ở của Bác Hồ tại Bắc Kạn năm xưa sẽ rất trang nghiêm, và ít bị cơ quan chức năng soi xét việc thi công, nên Chủ đầu tư và đơn vị thi công là Cty văn hoá Việt cùng các bên tư vấn nghĩ kế “làm xiếc”. Chính vì thế, các đầu việc từ phần gỗ, lá cọ lợp liếp vách, đến nền xi măng giả đất, cột gỗ, vì kèo, hoành, rui mái… đều bị ăn bớt khối lượng so với thực tế biên bản đã nghiệm thu, thanh toán một cách lộ liễu, đến ai cũng có thể nhìn rõ các sai phạm. (một mét vuông mái lán ở của Bác Hồ phải lợp 50 tàu lá cọ, thì đơn vị thi công chỉ lợp có 20 tàu/m2,. Bê tông giả đất trong dự toán 12,852 m3 thì đo thực tế chỉ có làm khoảng 4,3 m3?, gia công cột gỗ đã thanh toán 2,852 m3 thì đo thực tế khoảng 0,7 m3 như đã đưa tin trong bài Bắc Kạn: Quyết toán khống vật liệu của Di tích lịch sử (26/02/2012))
Sự móc chuỗi thành kíp sai phạm liên thông từ Lãnh đạo Sở và cán bộ trong Ban quản lý dự án Sở VHTT&DL, đến các đơn vị tham gia dự án như: Tư vấn thiết kế, xây lắp, giám sát thi công xây dựng đều làm ngơ để cho việc thanh quyết toán tiền khống nhiều khối lượng công việc, vật tư. Với số tiền xây dựng di tích chưa đến 6 tỷ đồng, mà dám quyết toán khống đến hơn 700, hơn nữa đây là lán duy nhất của Bác Hồ và Cảnh vệ ở trong năm 1951 tại địa bàn tỉnh Bắc Kạn là niềm tự hào người dân nơi đây mà còn bị ăn bớt, xà xẻo thì thật đáng lên án. Chúng tôi xin chuyển những góc khuất của vụ việc này đến lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn để trả lời trước dự luận../.
Trước đây ở Bắc Kạn đã có việc bà Tô Thị Mai, nguyên Giám đốc Sở Văn hoá thông tin & Thể thao tỉnh Bắc Kạn quyết toán khống hơn 30 triệu đồng tiền tu sửa, dựng mới bia ghi tên các di tích: Nà Pậu, Khau Mạ, Pù Cọ xã Lương Bằng huyện Chợ Đồn, di tích Nà Tu xã Cẩm Giàng… vào năm 1999, đã bị Toà án nhân dân tỉnh Bắc Kạn tuyên phạt 6 năm tù giam (hiện bà Mai đã thi hành án xong). Lần này lại đến ông Cao Sinh Hanh, Giám đốc Sở VHTT&DL Bắc Kạn kiêm Trưởng ban quản lý dự án Nà Pậu, đã ký quyết toán khống hơn 700 triệu đồng trong xây dựng di tích Bác Hồ ở Nà Pậu xã Lương Bằng huyện Chợ Đồn thì sẽ bị xử lý thế nào?
**Minh Bạch **
Minh Bạch