Bác Hồ với liệt sỹ và thương binh

Sinh thời là người đứng đầu Đảng và Nhà nước, dù bận trăm công nghìn việc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành những tình cảm đặc biệt yêu thương, trìu mến, biết ơn tới liệt sỹ, thương binh, người có công và gia đình họ. Những tình cảm đặc biệt đó được thể hiện bằng những bài viết và việc làm của Người.

Sau khi giành chính quyền tháng Tám năm 1945 không được bao lâu, cả nước lại lao vào cuộc chiến sinh tử với kẻ thù để giữ gìn nền độc lập và chính quyền cách mạng. Ngay trong những ngày đầu kháng chiến, biết bao người đã bị hy sinh, bị thương trong cuộc chiến đấu bảo vệ nền độc lập dân tộc. Tại chiến khu Việt Bắc, thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 27- 7-1947 được Trung ương chọn là Ngày thương binh liệt sỹ và chọn ngày 27-7 hằng năm là Ngày thương binh toàn quốc, ngày toàn dân cùng thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Ngay ngày Thương binh đầu tiên, Bác Hồ đã viết thư động viên, trong thư có đoạn viết: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đó chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”.  

Tròn một năm sau, Người viết Lời kêu gọi nhân ngày Thương binh, liệt sĩ 27-7-1948: “Họ quyết hy sinh tính mệnh họ, để giữ gìn tính mệnh của đồng bào. Họ hy sinh gia đình và tài sản họ, để bảo vệ gia đình và tài sản của đồng bào. Họ quyết liều chết chống địch, để cho Tổ quốc và đồng bào sống. Họ là những chiến sỹ anh dũng của ta. Trong đó, có người đã bỏ lại một phần thân thể ở trước mặt trận. Có người đã bỏ mình ở chiến trường. Đó là thương binh, đó là tử sỹ…”.

Với những người con hy sinh vì Tổ quốc, những liệt sỹ, Bác Hồ luôn dành cho tình cảm tiếc thương và trân trọng. Tháng 1-1947, khi nghe tin con trai cụ Vũ Đình Tụng hy sinh, Người đã viết thư động viên gia đình cụ: “Tôi được báo cáo rằng: Con giai của ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc. Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên, thì hình như tôi đứt một đoạn ruột…”.  Trong diễn văn Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng, Người nói: “Máu đào của các liệt sỹ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sỹ…”.

Việc chăm lo cho thương binh, bệnh binh, Người chỉ rõ: “Nên coi đó là một nghĩa vụ của nhân dân đối với những chiến sỹ bị thương, bị bệnh; không nên coi đó là một việc “ làm phúc”.

Với thương binh, Bác Hồ nhiều lần căn dặn không được kiêu ngạo, công thần địa vị mà phải tiếp tục học tập, phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội hơn nữa. Người còn nói: “Các chú tàn nhưng không phế”…

Không chỉ viết thư động viên, viết Lời kêu gọi, Bác Hồ luôn thương yêu, tri ân liệt sỹ, thương binh bằng việc làm cao cả của mình. Ngay năm đầu tiên, Người đã “Tôi xin xung phong gửi một chiếc áo lót lụa mà chị em phụ nữ đã biếu tôi, 1 tháng lương của tôi, 1 bữa ăn của tôi và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng (1.127đ.00)” và nhiều lần nữa bằng vật chất, kể cả quà được đồng bào và kiều bào biếu, Người cũng tặng cho thương binh.

Trước lúc đi xa, Bác Hồ còn chăm lo đến liệt sỹ, thương binh và gia đình họ thể hiện trong bản Di chúc lịch sử. Đối với thương binh, Người viết: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sỹ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…). Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để học có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Với các liệt sỹ, Người căn dặn: “Đối với các liệt sỹ thì mỗi địa phương (thành phố, làng, xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi công sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta.

Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sỹ) thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng Hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”.

Thực hiện lời dạy và làm theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, nhiều năm qua Đảng, Chính phủ và nhân dân ta đã có những chủ trương, chính sách ngày càng tốt hơn, đầy đủ hơn đối với gia đình liệt sỹ, với thương binh và người có công. Các phong trào “Trần Quốc Toản”, “Hội Mẹ chiến sỹ”, “Đón thương binh về làng”, “Tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa”, “Áo ấm tặng mẹ”, “Phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, “Xây dựng Nhà tình nghĩa”… đã lan tỏa khắp cả nước từ lâu, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của mọi tầng lớp nhân dân.

Nhiều thương binh, bệnh binh, người có công nghe theo lời dạy của Bác Hồ đã khắc phục khó khăn, vươn lên chiến thắng thương tật, bệnh tật; nhiều gia đình liệt sỹ, gia đình thương binh đã vượt lên khó khăn, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất để làm giàu cho bản thân và xã hội.

Những tình cảm, lời dạy của Bác Hồ dành cho liệt sỹ, thương binh, gia đình có công với cách mạng mãi mãi là nguồn cổ vũ, động viên, soi sáng cho nhân dân ta trên con đường bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa và xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

D.H