Bác Hồ viết về Tết Nguyên đán (18/02/2013)
Tháng 2-1941, vào dịp Tết Nguyên đán, Bác Hồ về Pắc Bó tiếp tục lãnh đạo cách mạng trong nước. Như vậy, 30 năm bôn ba khắp năm châu bốn biển, Bác Hồ có 30 tết xa quê hương. Bác đã có 30 dịp đón xuân ở xứ người. Bao nhiêu niềm thương, nỗi nhớ, gian khổ khó khăn và nguy hiểm đến với Bác Hồ. Nhưng chính trong những mùa xuân ấy, chỉ riêng Người chịu đựng để rồi đem lại những mùa xuân tươi đẹp cho chúng ta, cho cả dân tộc hôm nay và mãi mãi về sau.
Từ khi về nước trực tiếp lãnh đạo cuộc cách mạng nước ta, bao sức lực và tâm trí, Người đều dốc lòng đấu tranh với bao kẻ thù, mục đích để giành thắng lợi, đem lại hạnh phúc và ấm no cho nhân dân. Song Người vẫn luôn luôn chăm lo về đời sống tinh thần của mọi người, đặc biệt vào dịp đón xuân mới, mừng Tết; từ cơ quan, gia đình đến cá nhân ai cũng hồ hởi phấn khởi. Thế nhưng đâu đó vẫn có sự lạm dụng đón xuân về để tổ chức vui chơi linh đình, tốn kém, thậm chí còn có nội dung trái với truyền thống, lối sống văn hóa của dân tộc ta.
Năm 1960 là năm có nhiều sự kiện chính trị đặc biệt, cũng là năm có nhiều niềm vui. Trong thơ mừng năm mới 1960, Bác Hồ đã mở đầu bằng hai câu thơ:
“Mừng nhà nước ta 15 xuân xanh
Mừng Đảng chúng ta 30 tuổi trẻ…”
Cũng trong năm 1960 ấy, trong dịp chuẩn bị đón xuân, Bác Hồ đã viết ba bài thơ về xuân, về Tết. Gần nửa thế kỷ đã qua, song đọc lại những dòng viết ngắn, giản dị mà sâu sắc ấy, ta như được sống lại những năm tháng trong tình thân ái của Bác, như được Người ân cần dạy bảo từ những vấn đề to lớn quốc gia đến những việc tưởng chừng như bình thường nhất, nhưng lại là lẽ sống và cách sống của con người mới, những con người có trách nhiệm với chính mình và từ đó biểu thị trách nhiệm với quần chúng xã hội.
Mừng Tết Nguyên đán như thế nào?
*“Suốt năm chúng ta thi đua lao động sản xuất. Nhân ngày Tết Nguyên đán, chúng ta vui chơi một hôm để chào xuân. Việc đó cũng đúng thôi. Nhưng chúng ta nên mừng xuân một cách vui vẻ và lành mạnh. Nếu có bao nhiêu tiền đều bỏ ra mua sắm hết để đánh chén lu bù, thế là mừng xuân một cách lạc hậu; thế là lãng phí, thế là không Xuân! Nên nhớ rằng hiện nay, chúng ta phải cần kiệm xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Không nên vì một cớ gì mà quên nhiệm vụ ấy”. *
Sau khi phê bình những nơi lãng phí, khen ngợi những nơi biết tiết kiệm, cuối bài Bác viết 4 câu thơ:
Trăm năm trong cõi người ta
Cần kiệm xây dựng nước nhà mới ngoan
Mừng Xuân, mừng cả thế gian
Phải đâu lãng phí cỗ bàn mới xuân!
Với lòng nhân ái bao la, vào những dịp Tết, Bác thường đi chúc Tết các cơ quan xí nghiệp, đến thăm những gia đình lao động lam lũ. Ngày mồng 1 Tết 1965, Bác đến thăm công trường Việt Trì và phát biểu trước cán bộ, công nhân, chuyên gia các nước bạn giúp ta với những lời đầy tình cảm: “Cán bộ phải chú ý chăm lo sinh hoạt của anh em trong ngày Tết. Đối với các đồng chí công nhân, cán bộ, bạn bè giúp ta mà các đồng chí ấy xa nhà trong dịp Tết Nguyên đán này, ta càng chú ý chăm sóc. Các anh em công nhân người Âu, Phi lâu nay sống đã quen với phong vị Tết Việt Nam, nên làm sao cái Tết của xây dựng vui vẻ hơn kháng chiến, song phải tránh những lãng phí không cần thiết”.
Mừng Xuân, chúng ta hãy cùng nhau nhớ lại những lời căn dặn của Bác. Những điều dạy đó còn vang vọng mãi! Mùa xuân là tự do, hạnh phúc của mọi người, để cho xuân đúng là “xuân chẳng riêng ai, khắp mọi nhà” để “mừng xuân, mừng cả thế gian”, như Bác Hồ kính yêu đã viết.
Hoàng Anh