Bác Hồ-nhà báo vĩ đại
Chủ tịch Hồ Chí Minh viết báo, làm báo là do nhu cầu cứu nước, nhu cầu của cách mạng đòi hỏi. Ngay từ sau khi xuất dương đi tìm đường cứu nước, nơi đặt chân đầu tiên ở hải ngoại là nước Pháp-nước của kẻ thù đang thống trị dân tộc mình, Người lăn lộn trong giới công nông, những người cùng khổ, để hiểu ra một điều khá phổ biến trong xã hội lúc bấy giờ là: Ở đâu cũng có kẻ áp bức và người bị áp bức. Những bài báo đầu tiên Nguyễn Ái Quốc viết là để bênh vực những người khốn khổ, cho dù họ là dân tộc nào, màu da gì. Những bài báo Nguyễn Ái Quốc viết bằng tiếng Pháp được đăng trên các tờ Đời sống thợ thuyền, Nhân loại và những tờ báo cánh tả Pháp. Từ đây, Nguyễn Ái Quốc nhận thấy người Pháp hiểu biết quá ít về xứ sở được bọn thực dân gọi là “xứ An Nam, xứ Đông Dương thuộc Pháp” và sự cai trị tàn ác của chúng. Người nung nấu ý định muốn viết những bài báo về thực trạng của nước nhà, của xứ sở Đông Dương. Ngay từ lúc bấy giờ, Người đã xác định: Báo chí là vũ khí đấu tranh sắc bén của cách mạng.
Từ một người tự học viết báo, năm 1921, với cái tên Nguyễn Ái Quốc, Người cùng một số chính khách các nước thuộc địa tại Pháp thành lập Hội Liên hiệp Thuộc địa, và năm 1922, chính Người lập ra tờ báo Người cùng khổ (Le Paria)-một tờ báo cách mạng mang tính quốc tế. Theo Nguyễn Ái Quốc, tên gọi Người cùng khổ phản ánh đúng hoàn cảnh sống của các dân tộc bị áp bức. Số báo đầu tiên ra mắt bạn đọc ngày 1-4-1922. Tên báo được viết bằng 3 thứ tiếng: Pháp, Ả Rập và Trung Quốc. Nguyễn Ái Quốc không chỉ làm chủ bút, mà còn là tác giả của phần lớn các bài báo, các bức ký họa và tranh châm biếm, kiêm cả việc quản lý và phát hành. Từ đây, các số báo Người cùng khổ qua tay các thủy thủ, vượt đại dương về nước, đánh thức phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam.
Cuối năm 1924, Hồ Chí Minh về Quảng Châu (Trung Quốc), mở lớp huấn luyện cán bộ cách mạng Việt Nam, thành lập tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, tổ chức tiền thân của Đảng ta. Người sáng lập Báo Thanh niên làm cơ quan ngôn luận của Hội. Báo Thanh niên số 1 ra ngày 21-6-1925, đến tháng 4-1927 được 88 số bằng tiếng Việt. Bác trực tiếp chỉ đạo biên tập và viết nhiều bài chính luận. Tháng 12-1926, Bác lập ra Báo Công nông cho giai cấp công nhân và nông dân nước ta, đều tập trung vào vấn đề cơ bản là truyền bá tư tưởng cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, chuẩn bị cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc thành lập một Đảng Cộng sản kiểu mới đủ khả năng, bản lĩnh chính trị, lãnh đạo nhân dân Việt Nam vùng lên lật đổ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân Pháp và phong kiến tay sai, giành độc lập, tự do, hạnh phúc, hòa bình cho dân tộc Việt Nam, đưa nước Việt Nam tiến theo con đường XHCN. Ngay năm 1930, Đảng ta ra đời, Bác đã sáng lập Tạp chí Đỏ, xuất bản từ ngày 5-8-1930, đồng thời là người chỉ đạo và cộng tác viên đắc lực của các báo Đảng khác như: Búa liềm, Tranh đấu, Tiếng nói của chúng ta... Đầu năm 1941, Bác về nước, chỉ đạo Hội nghị T.Ư 8, thành lập Mặt trận Việt Minh, cho lập Báo Việt Nam độc lập năm 1941 và Báo Cứu quốc năm 1942. Các tờ báo này thực sự đã là những hồi kèn xung trận, thức tỉnh đồng bào cả nước vùng lên đấu tranh, tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám 1945.
Cách mạng Tháng Tám thành công, Bác tiếp tục cộng tác, tổ chức và cho ra đời một số tờ báo mới. Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, tháng 2-1951, Báo Sự thật (tiền thân của Báo Nhân Dân) ngừng xuất bản, Bác chỉ đạo thành lập Báo Nhân Dân, một cơ quan ngôn luận gần gũi hơn, thiết thực hơn, sâu rộng hơn, và số đầu tiên ra ngày 11-3-1951. Ngoài việc sáng lập, chỉ đạo thực hiện, Bác còn là cộng tác viên rất nhiệt tình. Từ số 1 ngày 11-3-1951 đến số 5525 ngày 1-6-1969, Báo Nhân Dân đã đăng trên 1.200 bài viết của Bác Hồ với 23 bút danh. Trong những bài báo ấy, có nhiều bài báo về xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà ngày nay vẫn là những bài học sống còn của Đảng ta.
Từ khi xuất dương đi tìm đường cứu nước cho đến phút cuối đời, cùng với những hoạt động cách mạng và lãnh đạo Đảng, lãnh đạo đất nước, Bác luôn là một nhà báo-một nhà báo lớn nhưng chưa từng có thẻ. Bởi báo chí đối với Bác không phải là một nghề, mà là một vũ khí sắc bén để chiến đấu của người chiến sĩ cộng sản. Với một động cơ vĩnh cửu là vì độc lập, tự do, hòa bình cho dân tộc, hạnh phúc của nhân dân, hạnh phúc của con người. Đó là ý nghĩa nhân văn cao cả nhất trong suốt cuộc đời của nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh.
Phạm Như Hùng