Bác Hồ - Lãnh tụ thiên tài, một nhà văn, một nhà thơ lớn

Hiếm có một dân tộc nào, một quốc gia nào trên thế giới mà lãnh tụ của mình lại được cả nhân loại tôn vinh: “Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới” như Bác Hồ chúng ta.

Còn gọi Bác là nhà văn, nhà thơ vì Bác Hồ đã viết rất nhiều thể loại thơ, truyện ký, tiểu thuyết bằng văn chính luận, văn dịch, văn báo chí và ở lĩnh vực nào cũng thành công. Một người như thế nói về phương pháp viết văn thì thật đầy đủ tư cách (mặc dù Bác không nhận).

Có tài liệu nói, Bác Hồ biết làm thơ từ năm 5 tuổi. Theo lời kể của ông Nguyễn Sinh Khiêm - anh trai Bác Hồ. Trong dịp cụ Nguyễn Sinh Sắc sau khi đỗ Phó Bảng được vào Huế nhận chức trong triều đình Huế. Trên đường đi, Bác Hồ được ngồi trên quang gánh mẹ quẩy.

Bài thơ trong cuốn “Tất đạt tự ngôn”:

Núi cõng con đường mòn

Cha thì cõng theo con

Núi nằm ì một chỗ

Cha thì cúi lom khom

Đường bám lỳ lưng núi

Con tập chạy lon ton

Cha siêng hơn hòn núi

Con đường lười hơn con.

Lên đỉnh đèo (Hải Vân) dừng lại nghỉ. Nhìn thấy biển, Bác hỏi: Cha ơi, cái ao ở đây sao lớn thế?

Cha Bác mới nói: Không phải ao đâu con ơi! Đó là biển đấy chứ.

Bác nói: Sao bò lại lội trên biển?

Cha Bác bảo: Không phải bò đâu con ơi! Đó là cánh buồm nâu, thuyền chạy trên biển đó.

Bác ứng khẩu đọc bài thơ:

Biển là cái ao lớn

Thuyền là con bò

Bò ăn gió no

Lội trên mặt nước

Em nhìn thấy trước

Anh trông thấy sau

Ta lớn mau mau

Vượt qua ao lớn

(Bài thơ đăng trên

báo Văn nghệ số Tết năm 1980).

Sau này, trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Bác Hồ, thơ ca chỉ chiếm một vị trí nhỏ, nhưng những bài thơ của Bác đã trở thành những viên ngọc quý trong kho tàng văn học Việt Nam.

Ngoài tập “Nhật ký trong tù” được viết chỉ trong 1 năm, những bài thơ của Bác được làm rải rác trong nhiều năm, từ năm 1941 đến năm 1969. Những bài thơ đó đã đi sâu vào cuộc sống tinh thần của nhân dân ta, thành châm ngôn cho chúng ta hành động, thành sức mạnh cho chúng ta đấu tranh, tiên tri mọi thắng lợi của cách mạng.

Thơ là tâm hồn, là lý tưởng, thơ cũng là hành động, là vũ khí đấu tranh. Bác đã từng nói: Văn hoá - văn nghệ cũng là một mặt trận. Các văn, nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy.

Sau khi đọc tập “Thiên gia thi” sự phê bình thơ xưa đã được Bác gắn liền với quan điểm về một nền thơ mới - nền thơ cách mạng.

Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp

Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông

Nay ở trong thơ nên có thép

Nhà thơ cũng phải biết xung phong.

Tức là “nghệ thuật vị nhân sinh” chứ không phải “nghệ thuật vị nghệ thuật” đơn thuần. Nghệ thuật phải phục vụ mục đích, vì lý tưởng của con người. Đó là quan điểm xuyên mới trong toàn bộ thơ, văn của Bác.

Nói đến thơ Bác không thể không nói đến nghệ thuật trong thơ Bác. Đó là, sự bình dị tuyệt vời, không ai có thể bắt chước được. Ở Bác, có thơ cổ động, diễn ca và có cả thơ tâm tình, đả kích, có thơ triết lý và cả thơ ghi việc hằng ngày.

Chúng ta đã được đọc nhiều loại thơ trong thơ Bác, mà loại nào cũng có những bài thơ đạt đến đỉnh cao.

Thí dụ, thơ về khí phách

Chống gậy lên non xem trận địa

Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây

Quân ta khí mạnh nuốt Ngưu đẩu

Thế diệt xâm lăng lũ sói cầy.

(Lên núi).

Thơ tâm tình:

Ngày đi bạn tiễn đến bến sông

Hẹn bạn về khi lúa đỏ đồng

Nay gặt đã xong, cày đã khắp

Quê người tôi vẫn chốn lao lung.

(Nhớ bạn).

Thơ triết lý:

Gạo đem vào giã, bao đau đớn

Gạo giã xong rồi, trắng tựa bông

Sống ở trên đời, người cũng vậy

Gian nan rèn luyện mới thành công.

(Nghe tiếng giã gạo).

Và những bài thơ cổ động, ca ngợi công nhân, ca ngợi dân cày, ca ngợi bộ đội; những bài thơ kêu gọi, thơ chúc Tết... Những bài thơ dưới hình thức thư, những bài thơ tặng, những bài thơ tức cảnh, thơ đối ứng, thơ tự trào, thơ tự khuyên…Có những câu thơ tả cảnh đẹp như vẽ:

Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa.

(Cảnh khuya).

Dòng sông lặng ngắt như tờ

Sao đưa thuyền chạy,

thuyền chờ trăng theo.

(Đi thuyền trên sông Đáy).

Giữa dòng bàn bạc việc quân

Khuya về bát ngát

trăng ngân đầy thuyền.

(Rằm tháng Giêng).

Bác làm thơ bằng tiếng Việt, Bác sử dụng thành thạo tiếng Việt đã đành, Bác còn làm thơ bằng chữ Hán. Bác lại cũng sử dụng rất tài tình chữ Hán, mà là chữ Hán mới, chữ Hán hiện đại.

Nghệ thuật thơ Đường, Bác nắm vững quá đi rồi. Hãy đọc bài thơ:

Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ

Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không

Cô em xóm núi xay ngô tối

Xay hết lò than đã rực hồng.

(Chiều tối).

Còn biết bao nhiêu bài thơ khác nói lên tư tưởng của Bác, mang tính triết lý rất cao và dẫn tới hành động cách mạng triệt để. Những bài thơ suy nghĩ của Bác, có sức rung động giàu chất nghệ thuật, càng đọc lâu càng thấm thía, càng suy nghĩ càng thấy sâu sắc, luôn luôn thúc đẩy chúng ta hành động, đấu tranh.

Ngày nay, chúng ta đọc lại thơ Bác, hiểu sâu một tâm hồn thơ phong phú mà nhất quán, rất nghệ thuật mà không chịu dừng lại ở một lối diễn tả nghệ thuật nào. Nhà thơ cộng sản ấy thật là vĩ đại. Bác làm việc không mệt mỏi vì cách mạng, vì dân tộc, vì nhân dân. Chúng ta còn phải làm việc không mệt mỏi để khám phá về Bác, về cuộc đời, về tư tưởng và về thơ, văn của Người.

Trương Thọ