Bác Hồ giao nhiệm vụ cho Trung tướng Nguyễn Bình
Bác Hồ gặp gỡ Tướng Nguyễn Bình (đứng giữa, hàng sau).
(Báo tháng) - Câu chuyện cảm động về Bác Hồ với Trung tướng Nguyễn Bình kể lại vào lúc này, khi chúng ta đang chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ Đại hội Đảng sắp tới càng làm cho mỗi chúng ta thấu hiểu trí tuệ mẫn tiệp, tầm nhìn xa trông rộng, lòng nhân ái bao dung của Bác khi trọng dụng hiền tài Nguyễn Bình.
Cũng như vậy, khi tưởng nhớ tới bậc danh tướng Nguyễn Bình, dù đã gần 7 thập niên trôi qua kể từ ngày ông hy sinh, song những kỷ niệm về ông, về một con người trung hiếu vẹn toàn, một bài học lớn về nhân cách ở đời và làm người mà ông đã thực hành mẫu mực để xứng đáng với niềm tin yêu của Dân, của Đảng, của Bác Hồ… vẫn mãi mãi còn nguyên vẹn, còn tỏa sáng trong cuộc đời của mỗi chúng ta.
Dưới đây là nội dung cuộc trò chuyện giữa Bác Hồ với Nguyễn Bình:
Nhận được thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi gấp về Hà Nội, Nguyễn Bình thay bộ quần áo nâu bạc bằng bộ đồ chiến lợi phẩm: Quần áo ka-ki, đầu đội mũ cát két, chân đi giày da, mang súng và đeo cả kiếm Nhật đến gặp Bác. Với “bộ cánh” này, ông đinh ninh Bác Hồ sẽ hài lòng vì theo ông đó cũng là một cách gián tiếp báo cáo với Chủ tịch nước về thành tích diệt giặc, thu chiến lợi phẩm của chiến khu Trần Hưng Đạo.
Đến Bắc Bộ Phủ, khác hẳn với những gì Nguyễn Bình nghĩ. Tiếp Nguyễn Bình là một ông già chân đi dép cao su, giản dị trong chiếc áo Tôn Trung Sơn. Nguyễn Bình tự thấy ngượng về “bộ cánh” của mình. Nhưng Bác Hồ không quan tâm đến bề ngoài của Nguyễn Bình, Người đi thẳng vào công việc.
- Chú là Nguyễn Bình - Tư lệnh Đệ Tứ chiến khu đó ư?
Nghe Bác hỏi, Nguyễn Bình vô cùng xúc động, bàng hoàng.
- Thưa Bác, cháu là Nguyễn Bình, cháu về đây theo thư Bác gọi.
Chủ tịch Hồ Chí Minh mời Nguyễn Bình hút thuốc và Người bắt đầu câu chuyện một cách thân tình.
- Bác đã nghe báo cáo hoạt động của các chú ở chiến khu Đông Triều. Bác có lời khen. Mấy ngày qua chú có nghe tin về tình hình Nam Bộ không?
- Thưa Bác, cháu nghe tin ngày 23-9 vừa qua, Pháp đã gây hấn. Đồng bào Sài Gòn - Chợ Lớn đã nhất tề đứng lên kháng chiến.
Bác nói tiếp:
- Giống như trăm năm trước đây, giặc lại nhằm vào miền Nam đánh trước. Nhưng ngày nay khác hẳn ngày xưa. Chúng ta nhất định không để mất một tấc đất. Nam Bộ là máu của chúng ta, là xương của chúng ta. Nam – Trung – Bắc là một nhà không ai có thể chia ly được.
Nguyễn Bình lắng nghe như uống từng lời của Bác.
- Máu chảy ruột mềm. Biết bao đồng chí, đồng bào đã tình nguyện vào Nam để chiến đấu. Các đoàn quân Nam tiến đang chuẩn bị lên đường. Đồng chí Trần Huy Liệu cho biết, trước chú hoạt động ở trong Nam. Bác nghĩ các lực lượng vũ trang trong đó đang cần một vị chỉ huy tài năng, có thể tập hợp các đơn vị vũ trang lại. Nếu không sẽ dẫn đến tình trạng “thập nhị sứ quân” rất bất lợi cho cách mạng. Người chỉ huy đó theo Bác phải biết rõ miền Nam, lại phải là người có bản lĩnh thu phục được cả những tay giang hồ kiểu Bình Xuyên. Chú Bình có thể đảm nhận trọng trách đó không?
Nguyễn Bình đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Quả thật, từ lâu ông đã mơ ước được trở lại Nam Bộ thăm chốn cũ người xưa. Nay Bác chọn ông chính thức giao nhiệm vụ vào Nam, tổ chức lực lượng kháng chiến, đó là một vinh dự bất ngờ.
Nghĩ vậy, ông trả lời rất nhanh, như sợ bỏ lỡ cơ hội hiếm có.
- Thưa Bác, Bác có tín nhiệm cháu, cháu xin nhận. Nhưng…
Bác ân cần hỏi:
- Cháu nhận nhiệm vụ rồi sao còn “nhưng”?
Nguyễn Bình thành thật trình bày:
- Thưa Bác, một Nguyễn Bình ngang dọc giang hồ để làm việc nghĩa. Một Nguyễn Bình - Quốc dân đảng để cứu nước đã thất bại, lãnh tụ Quốc dân đảng và các yếu nhân của Đảng đều bị giết, những người còn lại đã bạc nhược. Nguyễn Bình ly khai Quốc dân đảng bị kết tội phản Đảng, họ trị tội bằng cách móc một con mắt của Nguyễn Bình. Nguyễn Bình không chết, Nguyễn Bình tìm đến con đường của ông “Nguyễn yêu nước” để cứu nước. Giờ đây, Nguyễn Bình được Bác tin cậy giao việc lớn cho cháu (ông nói tiếng cháu rất rõ), nhưng cháu chưa phải Đảng viên Cộng sản.
Bác Hồ cười hiền từ và nhấn mạnh:
- Đảng viên Cộng sản ư? Tổ quốc trên hết! Tôi giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Bình ái quốc, ái dân và bình thiên hạ cho an ninh hòa mục. Bác giao việc chỉ huy bộ đội Nam Bộ cho chú đó. Chú hãy tỏ ra xứng đáng với lòng tin yêu của Bác và của đồng bào. Hãy về thu xếp vào Nam ngay. Tình hình Nam Bộ đang như nước sôi lửa bỏng…
Bác xiết chặt tay Nguyễn Bình:
- Chúc chú thượng lộ bình an.
Bất ngờ Bác ôm choàng hôn lên má Nguyễn Bình khiến ông xúc động nghẹn lời. Phút giây cảm động ấy theo chân Nguyễn Bình suốt cả cuộc đời. Vòng tay yêu thương của Bác đã chở che, tiếp thêm sức mạnh giúp Nguyễn Bình vượt qua gian khổ hy sinh, hoàn thành trọng trách mà Đảng và Bác giao cho…
Lịch sử đã diễn ra đúng như vậy! Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn được đúng người chỉ huy quân đội cho Nam Bộ kháng chiến. Và Nguyễn Bình cũng đã không phụ lòng tin cậy của Bác. Ông đã hoàn thành xuất sắc trọng trách được Bác giao phó. Nhân dân thân thiết, yêu quý gọi ông là Độc nhãn tướng quân. Tôi (Đinh Thu Xuân) xin phép được kính cẩn dâng lên ông thêm một chữ Thần để vinh danh ông là Độc thần nhãn tướng quân Nguyễn Bình! Vì nghĩa lớn mà ông đã bị mất một con mắt máu thịt của mẹ cha, của truyền thống dòng tộc ban tặng cho ông. Thương ông là một hiền tài nên Hồn thiêng sông núi, Đất nước anh linh đã cho ông một con mắt thần sáng suốt tìm được con đường cứu nước cứu dân của “Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh”. Ông đã có duyên phận lớn là gặp được Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ có đôi mắt anh minh biết trọng dùng người tài, đã tin cậy trao cho ông trọng trách của Người cầm quân bình thiên hạ.
Câu chuyện “Bác Hồ trao nhiệm vụ cho Trung tướng Nguyễn Bình” là một bài học lịch sử quý giá cho quốc sách tuyển chọn và trọng dụng hiền tài làm cho nguyên khí quốc gia ngày một hưng thịnh. Đó là nguồn tài sản vô giá cho sự nghiệp chấn hưng đất nước.
Nguyễn Bình không chỉ là niềm tự hào, là người con ưu tú của quê hương Hưng Yên. Ông còn là một người Anh hùng của cả dân tộc, là tấm gương sáng tận trung với nước, tận hiếu với dân, suốt một đời xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Tên tuổi và công lao của ông xứng đáng được tôn vinh trên khắp cả nước và lưu danh thơm mãi mãi cho các đời sau.
GS,TS. Hoàng Chí Bảo