Ba thế hệ làm việc nghĩa
Xuất thân trong một gia đình có truyền thống cách mạng, cha nguyên là chiến sĩ Tiểu đoàn Tây Đô, đơn vị
2 lần Anh hùng LLVTND; mẹ là người nuôi cán bộ cách mạng trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, năm 1982, anh Lê Văn Duyên tình nguyện nhập ngũ và được xuất ngũ vào năm 1986. Lúc này giao thông nông thôn trong vùng đi lại rất khó khăn, nhiều lần thấy mẹ đưa rước học sinh qua sông miễn phí bất kể mưa nắng, anh Duyên đã chung tay giúp bà khi rảnh rang việc ruộng đồng.
Có một kỷ niệm đẹp và là nguồn động viên rất lớn đối với mẹ con anh Duyên là dịp tình cờ về đây chứng kiến tấm lòng của bà Sáng, một “mạnh thường quân” tại TP. Hồ Chí Minh đã ủng hộ một chiếc “chẹt” (phương tiện như một chiếc phà thu nhỏ); một chiếc máy nổ trị giá 25 triệu đồng để bà làm việc nhân đạo được an toàn hơn và đỡ vất vả. Năm 1986, do sức yếu, bà Sáng giao lại cho anh Duyên trở thành người chủ lực thay thế công việc thầm lặng nghĩa tình của mẹ mình cho đến nay đã trên 30 năm. Chị Lê Thị Kiều, ngụ ấp Đông Thạnh xúc động kể: “Trong cuộc sống bon chen, lại có những con người sống hết lòng vì các em học sinh như chú Tư Duyên, nhờ vậy tôi và nhiều phụ huynh khác an tâm cho con em đến trường bằng phà của chú mà không phải tốn một khoản tiền nào. Tôi rất cảm ơn chú”. Ngày nào cũng vậy, vào khoảng 5 giờ sáng là gia đình CCB Lê Văn Duyên đã tất bật với công việc chuẩn bị nhiên liệu, khởi động máy, kiểm tra các phao cứu sinh và độ an toàn của “chẹt”… trước khi đưa rước học sinh. Nếu như trước đây chỉ có khoảng 350 học sinh tiểu học qua sông đến lớp thì hiện nay đã có trên 360 học sinh khối THCS và gần 130 học sinh mầm non cũng là “khách miễn phí” sau khi các trường này được xây dựng mới. Anh Duyên tâm sự: “…Gia đình tôi trước kia rất khó khăn, ba mẹ tôi đều không biết chữ, bản thân tôi cũng ăn học không tới nơi, tới chốn. Vì vậy tôi quyết tâm làm công chuyện đưa đò để không một học sinh nào vì đi lại khó khăn phải bỏ học giữa chừng…”. Không dừng lại ở đó, tuy là bến đò vùng nông thôn nhưng bến đò của CCB Lê Văn Duyên đã được các ngành chức năng chứng nhận tiêu chuẩn an toàn. Đó là sự quyết tâm đầy trách nhiệm của anh với các em học sinh với mong muốn không để một trường hợp đáng tiếc nào xảy ra. Chúng tôi thử làm một phép nhân đơn giản: Mỗi ngày anh đưa rước trên 1.700 lượt học sinh, thầy cô giáo đi về; nếu chỉ thu mỗi lượt 500 đồng như những bến đò khác thì số tiền có được không hề nhỏ. Vậy mà với CCB Lê Văn Duyên, anh chỉ thu được sự trân trọng, cảm phục, biết ơn của cộng đồng.
Thông hiểu và ủng hộ việc làm nhân ái của cha mình, hai người con trai của CCB Lê Văn Duyên hiện là công an viên của ấp cũng thay nhau đưa rước học sinh những lúc cha bận việc ruộng vườn. Bản thân CCB Lê Văn Duyên đang là Chi hội trưởng Chi hội CCB ấp Đông Thạnh; trong công việc chung của Chi hội, anh luôn quan tâm giúp đỡ 17 hội viên vươn lên vượt thoát đói nghèo bằng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nhiều người dân địa phương nói vui: Gia đình bà Sáng có tới 3 thế hệ đưa đò miễn phí vì học sinh vùng sâu. Đó chính là sự ghi nhận tấm lòng của mọi người trước hành động cao đẹp của gia đình bà Sáng.
Hằng ngày, hội viên CCB Lê Văn Duyên vẫn âm thầm với công việc đưa rước học trò qua sông bằng trái tim nhân ái và đầy chất lính thời bình.
Bài và ảnh: Trương Thanh Liêm