Bà Theresa May tuyên bố từ chức ngày 24-5.

Ngày 24-5, Thủ tướng Anh - Theresa May nghẹn ngào đưa ra tuyên bố sẽ từ chức Thủ tướng Anh vào ngày 7-6. Bà May không may mắn cho dù bà lên làm Thủ tướng để dẫn dắt nước Anh tách khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) mà không thể thực hiện được điều này trong thời gian tại vị.

Không phải bà đã không cố gắng làm hết sức mình. Như bà phát biểu hôm 24-5 trước cửa ngôi nhà số 10 phố Downing (nơi ở của Thủ tướng Anh) thì bà đã “Hết lòng phục vụ đất nước bà yêu quý”.

Nhìn lại những bước đi của Chính phủ Anh do bà dẫn dắt trong suốt 3 năm qua có thể thấy bà đã nỗ lực rất nhiều. Thực hiện ý nguyện của gần 52% cử tri Anh trong cuộc bỏ phiếu ngày 23-6-2016 mong muốn Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), Thủ tướng Anh khi đó, ông David Cameron, đã phải chia tay ngôi nhà số 10 phố Downing ngay sau đó và bà May thay ông nắm quyền. Nhiệm vụ của bà May là thực hiện ý nguyện của cử tri, thực tế là con số 52% cử tri - một con số vừa quá bán - để thương thảo với EU nhằm tách nước Anh ra khỏi EU một cách có trật tự với một bản thỏa thuận mà hai bên có thể hài lòng.

Sau nhiều nỗ lực, bản thỏa thuận cuối cùng đã được bà May ký với EU vào tháng 11-2018, một văn bản khiến EU hài lòng, bà May hài lòng, nhưng không phải tất cả các thành viên trong đảng Bảo thủ của bà hài lòng và đặc biệt là Công đảng Anh ra sức phản đối. Thực tế là, bản thỏa thuận trên chỉ có hiệu lực khi nó được Nghị viện Anh, mà chủ yếu là Hạ viện Anh thông qua. Kết cục như ai cũng biết, bản thỏa thuận cuối cùng trên đã bị Hạ viện bác bỏ và thực tế có thể chứng minh là dù ai ngồi chiếc ghế Thủ tướng Anh trong giai đoạn này cũng khó có được một bản thỏa thuận với EU mà được Nghị viện Anh thông qua.

Nhìn lại con số 52% cử tri biểu quyết nước Anh rời EU có thể hiểu ngay điều này. 52% là con số quá bán nhưng các nghị sĩ lại đại diện cho nhiều tầng lớp cử tri Anh. Nước Anh vốn đã quá gắn chặt với châu Âu về mọi mặt như một quốc gia nhất thể. Một khi nước Anh tách ra khỏi EU, sẽ có những thành phần kinh tế, tầng lớp xã hội được hưởng lợi nhưng rõ ràng phải thấy 48% không ủng hộ Anh rời khỏi EU cũng cần được bảo đảm lợi ích của riêng mình. Một bản thỏa thuận để hài lòng tất cả là điều lý tưởng đến viển vông trong tình huống này.

Đó mới chỉ là vấn đề đối nội. Khó khăn để hài hòa lợi ích giữa các thành phần kinh tế, đảng phái chính trị, tầng lớp nhân dân đã khiến cho các phiên biểu quyết của Hạ viện Anh diễn ra như vỡ trận. Ồn ào và huyên náo. Bản thân bà May đã nhiều lần khản cả giọng để bảo vệ quan điểm của mình. Vấn đề đối ngoại còn khó khăn hơn. Anh phải chia lại đường biên giới, giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quan hệ với EU, những tồn đọng của lịch sử... EU nhìn chung đã mở đường cho Anh khi bản thỏa thuận tại Brussels tháng 11-2018 đã được ký nhưng EU không thể đợi được lâu hơn nếu Anh vẫn tiếp tục xin hoãn thời hạn ra khỏi EU - hạn chót tới thời điểm này là ngày 31-10-2019.

Nước Anh là một hình mẫu của dân chủ khi ý nguyện của người dân sẽ được thực hiện. Thế nhưng, có vẻ nước Anh hơi vội vàng! Con số 52% có vẻ chưa đủ lớn để quyết định hướng đi của một đất nước bởi tới nay làn sóng yêu cầu trưng cầu dân ý lại một lần nữa vẫn diễn ra nhằm cứu vãn tình huống Anh “ly hôn” khỏi EU mà không có một thỏa thuận được lòng cả hai bên. Điều này sẽ khó xảy ra bởi nó chỉ có thể được hiện thực hóa nếu nước Anh sửa lại Hiến pháp.

Vậy là, đạn đã lên nòng, nước Anh chỉ còn hướng phải rời khỏi EU, có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận. Bà May thật không may mắn khi phải chèo lái đất nước trong tình thế xung đột lợi ích quá khó khăn này. Ai thay chức Thủ tướng Anh của bà vào tháng 7 tới cũng sẽ rất chật vật trên con đường đưa nước Anh rời ngôi nhà EU.

Vì thế mà việc ra đi của bà May có khi lại là may!

Ngọc Hưng