Ba đột phá trong giáo dục nghề nghiệp nhằm giảm thất nghiệp

Mặc dù có được một số kết quả nhưng nhìn chung tình trạng thất nghiệp của thanh niên có trình độ chuyên môn đang là vấn đề bức xúc hiện nay. Theo Bản tin Khảo sát thị trường lao động do Bộ LĐTBXH công bố vừa qua, cả nước có 1,11 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp. Trong số những người thất nghiệp, có 471.000 người có chuyên môn kỹ thuật (chiếm 42,43%), nhiều nhất ở nhóm trình độ đại học trở lên (218.800 người, tăng 16.500 người so với quý trước), tiếp theo là nhóm cao đẳng (124.800 người, giảm 5.900 người) và trung cấp (70.200 người, giảm 14.100 người). Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm trình độ cao đẳng giảm nhẹ so với quý trước, song vẫn cao nhất (7,38%); nhóm trình độ đại học tăng nhẹ lên 4,43%.
Tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung đề xuất 10 nhóm giải pháp cụ thể nhằm gắn kết đào tạo với thị trường lao động, hạn chế tình trạng thất nghiệp của thanh niên. Cụ thể: Xây dựng các chuẩn trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp; tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp vào giáo dục nghề nghiệp (GDNN); đổi mới cơ chế hoạt động cơ sở GDNN đảm bảo tính cạnh tranh, tự chủ, bảo đảm xã hội hóa; đổi mới chương trình tuyển sinh và đào tạo; đổi mới đội ngũ nhà giáo; chuẩn hóa và tăng cường cơ sở vật chất thiết bị cho GDNN; phát triển hệ thống quản lý chất lượng GDNN, tăng cường quản lý nhà nước với GDNN; tăng cường truyền thông, tư vấn hướng nghiệp và hợp tác quốc tế...
Trong đó Bộ trưởng nhấn mạnh 3 giải pháp có tính đột phá:
Một là, tăng cường tính tự chủ của cơ sở GDNN. Tuy nhiên tự chủ không phải là khoán trắng, mà nhà nước khuyến khích và bắt buộc các trường hạch toán như doanh nghiệp nhà nước. Hướng tới phát triển việc làm bền vững, giao quyền tự chủ, tự chọn loại hình và ngành đào tạo phù hợp với tình hình. Và từ nay tới năm 2020, chỉ cấp ngân sách bằng năm 2017. Như vậy, hằng năm giảm được 7%, để các trường tự chủ dần.
Hai là, tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong GDNN. Tạo sự liên kết chặt chẽ giữa nhà trường, doanh nghiệp và NLĐ. Đây vốn là một điểm yếu của hệ thống giáo dục thời gian qua với tình trạng: Người học xong không có việc làm, doanh nghiệp vẫn phải đào tạo lại. Lý do, chưa có sự gắn kết giữa doanh nghiệp, nhà trường và NLĐ. Để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ LĐTBXH sẽ tăng cường mô hình hợp tác với doanh nghiệp ở nhiều nước phát triển, như mô hình đào tạo kép của CHLB Đức, tăng cường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc tham gia đào tạo, đánh giá kết quả người học, cung cấp thông tin và đồng hành với cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Ba là, tập trung xây dựng chuẩn hóa quốc gia trong GDNN. Tiếp cận chuẩn của nhiều nước ASEAN và các nước phát triển, như: Chuẩn đầu ra, chuẩn giáo viên, chuẩn kiểm định, chuẩn cơ sở vật chất…
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: "Nếu làm tốt 3 vấn đề này, hệ thống GDNN sẽ có những chuyển biến nhất định".
Bài và ảnh: Dương Sơn