ASEAN không ra được tuyên bố chung do bất đồng về tranh chấp Biển Đông (14/07/2012)
Các ngoại trưởng của khối 10 quốc gia Đông Nam Á ASEAN đã đấu tranh gay gắt từ hôm thứ hai vừa qua để đưa ra được một thông cáo ngoại giao chung, như thường thấy ở các kỳ họp trước. Sự kiện đặc biệt được quan tâm, nhất là khi được tổ chức trong bối cảnh các nước ASEAN đã đạt được tiến triển trong bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông, nhằm tháo gỡ căng thẳng trên biển.
Từ lúc kết thúc Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN từ hôm thứ Hai đến nay, các quốc gia Đông Nam Á đã bắt tay vào việc soạn thảo bản tuyên bố chung, nhưng đã liên tiếp gặp trở ngại, phải tổ chức nhiều cuộc họp không chính thức để gải quyết nhưng không đạt được kết quả. Theo các nhà ngoại giao có mặt tại Phnom Penh, ASEAN vẫn bất đồng về vấn đề gai góc là có nên đề cập đến các tranh chấp bùng lên gần đây với Trung Quốc tại Biển Đông vào trong văn kiện hay không.
Philippines đã nhấn mạnh đến việc cần phải nhắc đến vụ đối đầu hàng tháng trời với Trung Quốc tại vùng bãi đá ngầm Scarborough ngoài Biển Đông. Tuy nhiên, chủ tịch luân phiên ASEAN là Campuchia đã bác bỏ đề nghị này.Campuchia đã xóa bỏ các đoạn “tình hình bãi ngầm Scarborough” và “các diễn biến trái với quy định của công ước Liên hợp quốc UNCLOS 1982 liên quan đến vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước ven biển”.
Về Việt Nam, theo nhật báo Thái Lan Bangkok Post, một nguồn tin ngoại giao cho biết Việt Nam cũng tranh thủ mọi cuộc họp để tìm kiếm hậu thuẫn cho việc đưa vào văn kiện nhóm từ “vùng đặc quyền kinh tế”. Trên bình diện công khai, tại Hội nghị Phnom Penh lần này, Việt Nam đã không ngần ngại chính thức lên tiếng tố cáo các hành vi quyết đoán mới đây của Trung Quốc.
Một trong những ví dụ cụ thể là phát biểu của Ngoại trưởng Phạm Bình Minh tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN AMM. Theo bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Phạm Bình Minh đã “bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình diễn biến phức tạp xảy ra gần đây trên Biển Đông; nhấn mạnh lập trường của Chính phủ Việt Nam phản đối việc Trung Quốc phê chuẩn thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và mời thầu quốc tế 09 lô dầu khí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước Luật biển của Liên hợp quốc (UNCLOS) 1982”.
Quan điểm này sau đó đã được lập lại ở những hội nghị khác có Việt Nam tham gia, kể cả tại cuộc gặp song phương giữa hai ngoại trưởng Việt Nam và Trung Quốc bên lề Hội nghị ASEAN vào hôm kia.
Phát biểu với báo chí hôm qua, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa đã không che giấu thất vọng trước việc ASEAN cho đến giờ chót vẫn không nhất trí được về Biển Đông. Nỗi thất vọng của ông càng cao khi ông thừa nhận rằng chỉ riêng đoạn về Biển Đông đã có 17 hay 18 phiên bản khác nhau, nhưng tất cả đều phải bỏ đi vì không được toàn thể 10 thành viên phê duyệt.
Theo các nguồn tin ngoại giao đề nghị được giấu tên cho biết với AFP, đã có sự tranh luận gay gắt tại diễn đàn ASEAN vào tuần này, và vào sáng sớm nay một cuộc họp khẩn đã được triệu tập, nhưng không phá được thế bế tắc về tuyên bố chung.
Trong khi Trung Quốc miêu tả kỳ họp là “hữu ích” nhưng Philippines hôm nay cho biết “thất vọng vì không ra được bản thông cáo chung…điều chưa từng có tiền lệ trong 45 năm tồn tại của ASEAN”.
Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong bày tỏ thất vọng vì sự bất đồng trong ASEAN, nhưng ông cho biết ông “không thể chấp nhận một tuyên bố chung trở thành con tin của vấn đề song phương (giữa Philippines và Trung Quốc).
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng công nhận tình hình căng thẳng, nhưng cho rằng đó là "dấu hiệu của sự trưởng thành của ASEAN, khi họ đấu tranh trên một hồ sơ gai góc. Họ đã không tìm cách ém nhẹm, mà trực diện giải quyết".
Một nhà ngoại giao hôm nay, xin giấu tên, đã xác nhận với AFP rằng: “Áp lực từ nước lớn rất mãnh liệt”. Theo nhân vật này, "có dấu hiệu là Campuchia đã nhận được chỉ thị nghiêm ngặt từ nước lớn đó”.
Trong khi đó, báo chí nhà nước Trung Quốc đưa tin nhóm 30 tàu đánh cá nước này đã được cử đến quần đảo Trường Sa trên Biển Đông. Đây là lần đầu tiên các tàu cá Trung Quốc tiến hành ra quân một cách rầm rộ theo một đội hình được tổ chức chặt chẽ như vậy.
A Hoàng