ASEAN bàn về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (17/11/2011)
Có thể nói, với các giá trị kinh tế tiềm năng, với các tuyến thương mại hàng hải quan trọng, vùng biển này có ý nghĩa rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế không chỉ của các nước xung quanh Biển Đông, mà còn quan trọng với cả các nước khác trong khu vực cũng như trên thế giới. Một môi trường hòa bình, ổn định tại Biển Đông có tác dụng tích cực đối với việc mở rộng giao lưu về văn hóa, xã hội, thúc đẩy liên kết thương mại, kinh tế và chính trị giữa các nước trong và ngoài khu vực.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, giữ gìn an ninh biển, bảo đảm tự do lưu thông hàng hải trên Biển Đông góp phần không nhỏ trong việc xây dựng an ninh châu Á - Thái Bình Dương và rộng hơn là trên toàn thế giới. Vấn đề Biển Đông đang phát triển theo chiều hướng phức tạp hơn, do các bên liên quan chưa thực sự tìm được tiếng nói chung trong cách thức giải quyết những bất đồng.
Việc các nước tham gia tranh chấp tăng cường mua sắm trang thiết bị quân sự, đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội cũng là một trong những nguyên nhân khiến căng thẳng trên vùng biển này leo thang. Các hành vi đi ngược lại những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và các quy tắc ứng xử được công nhận rộng rãi ở khu vực và quốc tế là không có lợi cho từng bên liên quan đến tranh chấp nói riêng và tiến trình giải quyết vấn đề Biển Đông nói chung.
Vì thế, vai trò của Công ước Luật Biển Liên hợp quốc 1982 (UNCLOS) trong việc kiềm chế và quản lý các mối đe dọa đối với an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông, đòi hỏi sự nỗ lực của các nước liên quan trực tiếp và của khối ASEAN trong việc giải quyết tranh chấp và quản lý xung đột trên Biển Đông. Điều đó, cần thúc đẩy vai trò lớn hơn của ASEAN trong việc quản lý tranh chấp ở Biển Đông.
Để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông một cách hòa bình, trong thời gian tới các bên liên quan cần kiên trì đàm phán, tăng cường đối thoại trên tinh thần hợp tác và tôn trọng luật pháp quốc tế, kiềm chế các hành động bạo lực, cũng như cần minh bạch hóa các chủ quyền về biển đảo. Việc xây dựng COC ở Biển Đông sẽ giúp xây dựng lòng tin giữa các nước yêu sách để tạo môi trường hòa bình, ổn định, khuyến khích các bên hợp tác quản lý và khai thác các nguồn tài nguyên ở Biển Đông một cách hòa bình.
Các chuyên gia tới từ các nước thành viên ASEAN đã đề cập đến sự cần thiết phải phát huy chủ động trong việc xúc tiến xây dựng một văn bản có tính ràng buộc pháp lý cao hơn nhằm điều chỉnh các hành vi ứng xử của các bên liên quan trên Biển Đông; đồng thời, nêu một số định hướng cơ bản về nguyên tắc tiếp cận, nội dung, lộ trình xây dựng và sự phối hợp giữa SEAN với Trung Quốc trong vấn đề này.
Hội nghị này có ý nghĩa biểu tượng quan trọng thể hiện sự tập trung về ý chí và nỗ lực của ASEAN nhằm thúc đẩy tiến trình xây dựng COC, đưa nội dung và lộ trình này báo cáo các nhà lãnh đạo tại Hội nghị cấp cao ASEAN-19.
Thanh Lâm