APF – 6 ủng hộ các mục tiêu trong Hiến chương ASEAN (27/09/2010)

Diễn đàn nhân dân ASEAN lần thứ 6 đã bế mạc chiều nay 26/9 tại Hà Nội sau 3 ngày làm việc với 6 phiên toàn thể và 16 hội thảo, thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu, thảo luận sôi nổi, đưa ra những khuyến nghị thiết thực, hình thành được chương trình hành động chung để hợp tác giữa các tổ chức nhân dân ASEAN.

*Ủng hộ các mục tiêu đề ra trong Hiến chương ASEAN *
APF- 6 đã ra Tuyên bố chung khẳng định ủng hộ các mục tiêu đề ra trong Hiến chương ASEAN nhằm hiện thực hóa mục tiêu một Cộng đồng ASEAN vì nhân dân. APF- 6 đã thống nhất trình lên các nhà lãnh đạo ASEAN những kiến nghị liên quan đến các lĩnh vực chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội.
Về chính trị - an ninh, các đại biểu khuyến nghị việc hình thành các cơ chế và thỏa thuận hiệu quả để bảo đảm duy trì hòa bình và an ninh khu vực.
Trong lĩnh vực kinh tế, APF- 6 đề nghị các chính phủ rút ra những bài học sâu sắc hơn từ chủ nghĩa tự do mới, có chính sách liên kết thương mại để bảo đảm phát triển bền vững cả về xã hội và sinh thái. ASEAN cần phát triển hợp tác kinh tế trên tinh thần đoàn kết, bổ sung cho nhau thay vì cạnh tranh.
Về văn hóa - xã hội, các đại biểu đã bày tỏ ủng hộ đối với các nạn nhân chất độc màu da cam của Việt Nam và lần đầu tiên vấn đề chất độc màu da cam được đưa vào Tuyên bố cuối cùng.
APF- 6 cũng kêu gọi ASEAN thông qua và triển khai Trụ cột Chiến lược thứ tư về môi trường nhằm giải quyết các dự án phát triển đe dọa sinh kế và môi trường, nhất là các dự án liên lãnh thổ.
Thúc đẩy và bảo vệ tốt hơn quyền của phụ nữ, người dân tộc thiểu số, các nhóm dễ bị tổn thương khác và khuyến khích sự tham hiệu quả của họ vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN cũng được các đại biểu đặc biệt quan tâm.
Các đại biểu cũng đã bày tỏ cảm ơn nước chủ nhà Việt Nam đã đón tiếp trọng thị và giúp đỡ tổ chức diễn đàn năm nay.
Đánh giá về thành công của APF- Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Trần Đắc Lợi cho rằng diễn đàn là cơ hội tốt để chúng ta hiểu hơn về các tổ chức nhân dân trong khu vực, đồng thời cũng là cơ hội để các tổ chức nhân dân trong khu vực hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam. Diễn đàn đã thu hút sự quan tâm và tham dự của các tổ chức trong và ngoài khu vực với 734 đại biểu tham dự với thành phần rất đa dạng, gồm công nhân, nông dân, phụ nữ, thanh niên, ngư dân, người khuyết tật, phản ánh được bức tranh cơ cấu xã hội trong ASEAN.

*Sáng kiến của Việt Nam *
Dân chủ hóa và công khai hóa quá trình chuẩn bị diễn đàn, Việt Nam đã chủ trì và tổ chức 3 hội nghị trù bị; mời các tổ chức nhân dân đến bàn về nội dung chương trình nghị sự, tạo ra sự hưởng ứng của các tổ chức ngay từ đầu.
Việt Nam đã có những biện pháp để tăng cường sự chuẩn bị của các tổ chức về nội dung; mời các tổ chức nhân dân trong khu vực tham gia Ban Tổ chức để diễn đàn thực sự là của nhân dân trong khu vực.
Việt Nam cố gắng tăng cường vai trò tích cực, chủ động trong các vấn đề liên quan đến nội dung, do đó APF không chỉ dừng lại ở chỗ nêu nguyên nhân và vấn đề mà còn đề xuất được những kiến nghị thiết thực.
Trao đổi với phóng viên, ông Sinapan Samydorai, đại biểu của Singapore cho hay với số lượng đại biểu lớn cùng với chương trình nghị sự dày đặc, Việt Nam đã tổ chức diễn đàn một cách có hệ thống, không bị gián đoạn, tất cả các đại biểu đều tham gia nhiệt tình.
Điểm khác biệt lớn trong diễn đàn lần này là một tổ chức của nhà nước đứng ra mời các tổ chức nhân dân ASEAN tham dự, các hội thảo trong khuôn khổ APF- 6 đều đưa ra những kiến nghị thiết thực đối với các nhà lãnh đạo ASEAN.
"Đến với diễn đàn, chúng tôi đã thay đổi quan điểm về Việt Nam sau khi tham dự phiên toàn thể giới thiệu về Việt Nam. Giờ đây đối với chúng tôi nghĩ về các bạn như một đất nước “rất mở”, rất khác biệt so với cảm giác trước khi đến đất nước các bạn", ông Sinapan Samydorai nói.
Chia sẻ ý kiến trên, đại biểu Indonesia Mida Saragih cho biết “không cảm thấy xa lạ” khi đến với diễn đàn, “chúng tôi có những người bạn tại đây”, đại biểu này nói.
Năm 2011, Indonesia sẽ là nước chủ nhà của Diễn đàn nhân dân ASEAN lần thứ 7.

Theo VGP

Cao Thúy