Anh hùng Nguyễn Bá Tòng và “cây nhiệt đới”
Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Bá Tòng bên hiện vật “cây nhiệt đới” lưu giữ tại Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh.
Đầu năm 1970, Nguyễn Bá Tòng là chiến sĩ Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 98 công binh Bộ Tư lệnh Trường Sơn, làm nhiệm vụ chốt giữ, bảo đảm giao thông ở trọng điểm U Bò - ngã ba La Hạp đường 128, thuộc Binh trạm 34 (Nguyễn Bá Tòng được phong danh hiệu Anh hùng LLVTND năm 1971; trước khi rời quân ngũ, là Thiếu tướng, Chính ủy Binh đoàn 12).
Ngày 3-4-1970, tiểu đội công binh của Nguyễn Bá Tòng trực chiến tại trọng điểm. Suốt ngày hôm đó, trọng điểm U Bò đã hứng chịu 3 trận đánh phá của cả máy bay cường kích tọa độ và B.52 rải thảm. Tầm 5 giờ chiều, sau khi cùng đơn vị san sửa đường, chuẩn bị đón các đoàn xe chuyển hàng vào tuyến trong thì bất ngờ 2 chiếc máy bay F.4 lao tới phóng 4 quả bom xuống trọng điểm. Bom rơi cách đài quan sát của anh chừng 200m. Chờ một lúc không thấy bom nổ, Nguyễn Bá Tòng gọi điện báo cáo Trung đội trưởng Bằng và nhận được lệnh: “Đồng chí vào kiểm tra, không được mang theo bất cứ vật gì có kim loại; có thể là bom nổ chậm hẹn giờ hoặc bom từ trường, chú ý bom vướng nổ”.
Nhận lệnh của Trung đội trưởng, Nguyễn Bá Tòng kiểm tra nhưng tìm mãi vẫn không thấy dấu vết bom. Anh liền quay lại đài quan sát báo cáo, thì nhận được lệnh: “Điều tiếp hai chiến sĩ cùng vào tìm. Phải giải quyết xong trước 7 giờ tối, để xe vượt trọng điểm!”. Nguyễn Bá Tòng và hai chiến sĩ tìm kiếm, sục sạo mấy lượt rất kỹ vị trí đã định vị, vẫn không thấy bom, nhưng phát hiện trong đám cây cối đổ ngổn ngang có một loài cây lạ, không có lá, mà có những sợi râu như ăng-ten. Lập tức, anh cho hai chiến sĩ về báo cáo và xin chỉ huy hướng xử lý. Hai chiến sĩ quay lại thông báo trên cho biết đó là “cây nhiệt đới”, phải tìm thu bằng hết. Cách xử lý là buộc túm các đầu râu ăng-ten. Vì lần đầu gặp loại khí tài đặc biệt này, nên để chắc ăn, Nguyễn Bá Tòng xé áo lót quấn chặt các đầu ăng-ten. Sau một hồi tìm kiếm, tổ phát hiện, xử lý được 4 “cây nhiệt đới”; giải tỏa trọng điểm trước 7 giờ tối, cũng là lúc chiếc xe đầu tiên tới đỉnh dốc - nơi tổ của Nguyễn Bá Tòng chốt bảo vệ xe qua.
Hôm sau, Nguyễn Bá Tòng cưa bổ một “cây nhiệt đới” thành hai nửa, lấy ra ba bộ linh kiện điện tử. Sau này qua tham khảo tài liệu của cả ta và đối phương, mới biết đây là những bộ cảm ứng thu tiếng động, được Mỹ nghiên cứu và sản xuất thành nhiều loại, trong đó có loại trang bị cho máy bay F.4 phóng xuống các nẻo đường Trường Sơn. Thông thường mỗi F.4 trang bị 2 giàn, mỗi giàn 8 ống phóng. Loại trang bị cho F.4 được cải tiến từ bộ cảm biến ASID, gọi là “cây nhiệt đới”, tiếng Anh là Tranggenradio (trinh sát điện tử).
“Cây nhiệt đới” có nhiều loại, nhưng phổ biến là cây có chiều dài 1,24m, đường kính thân 7,6cm, đường kính đuôi 11,7cm, nặng 16,8kg (giống quả đạn tên lửa). Bên trong “cây nhiệt đới” chứa ba tầng linh kiện điện tử gồm các loại bóng bán dẫn, một khối pin. Cấu tạo ăng-ten gồm 4 râu (1 râu chỉa thẳng lên trời, 3 râu xòe ra 3 góc). “Cây nhiệt đới” màu xanh lá cây nên lẫn với cây rừng, rất khó phát hiện.
Nhiệm vụ của “cây nhiệt đới” là phát hiện chấn động mặt đất; đối với người, cự ly phát hiện từ 25-30m, ô tô từ 200-300m; thời gian hoạt động từ lúc phóng xuống đất là 65-70 ngày. Khi thu được tiếng động của người và ô tô, “cây nhiệt đới” phát tín hiệu lên không trung để máy bay trinh sát tiếp nhận và lập tức phát tín hiệu nhận được về trung tâm xử lý đặt ở đảo Guy-am hoặc Thái Lan. Trung tâm xử lý phân tích, cho biết là tiếng người hay ô tô, hoạt động kho tàng…; xác định tọa độ và thông báo để sở chỉ huy ra lệnh cho máy bay oanh kích mục tiêu. Tất cả các công đoạn từ nhận tín hiệu tiếng động đến lệnh oanh kích chỉ diễn ra trong giây lát, “Cây nhiệt đới” được Mỹ sử dụng ở Trường Sơn giai đoạn đầu đã gây không ít khó khăn, tổn thất cho bộ đội ta; nhưng khi nghiên cứu tính năng, quy trình vận hành của nó, bộ đội công binh đã từng bước vô hiệu hóa và sử dụng để nghi binh lừa địch.
Khi biết được tính năng, nguyên tắc hoạt động của “cây nhiệt đới”, Nguyễn Bá Tòng bàn với chỉ huy đơn vị và đồng đội đem 3 “cây nhiệt đới” thu được trả về vị trí cũ, bố trí một đài bán dẫn và một máy phát điện cỡ nhỏ, đúng 19 giờ hằng ngày cho phát và 22 giờ thì tắt; cho phát liên tục 3 ngày để nghi binh lừa địch. Trong thời gian đó, đơn vị nhanh chóng mở đường tránh trọng điểm. Đến ngày thứ 5, địch cho một máy bay OV.10 lượn mấy vòng rồi phóng một quả đạn khói vào khu vực có “cây nhiệt đới”. Chỉ 10 phút sau, 4 chiếc vừa F.4 và F.105 ào đến đánh phá với đủ loại bom: bom phá, sát thương, khai quang; trong một ngày chúng đánh 3 đợt. Mặc cho địch đánh, cách đó chừng 300m, một đường tránh trọng điểm đã được đơn vị mở và tối tối, khi màn đêm buông, là những “tuấn mã Trường Sơn” lại ung dung vượt trọng điểm.
Duy tường