“Anh hùng bàn phím”
Hiện nay, mạng xã hội đang là phương tiện truyền thông, giải trí được nhiều người sử dụng. Bên cạnh những tiện ích mang tới cho đời sống xã hội, thì mạng xã hội cũng bộc lộ mặt trái, nảy sinh không ít vần đề. Chỉ cần lướt qua mạng xã hội, không khó tìm thấy những “anh hùng bàn phím”, tỏ ra năng nổ, xăng xái tham gia bàn luận các vấn đề chính trị - xã hội; “chém gió” với những tuyên bố, những phát ngôn gây sốc, bình luận hời hợt, thậm chí hồ đồ và không ít những hành xử thiếu văn hóa…
Do quan niệm sống và không có nhu cầu, nên tôi không tham gia mạng xã hội. Nhưng, ngày 21-2-2022 vừa rồi, một người anh cũng là một cựu chiến binh (CCB) đã từng nhiều năm làm công tác Hội, trách nhiệm hết mình với Hội CCB Việt Nam, vì quá bức xúc đã chia sẻ cùng tôi một clíp trên Facebook của Doãn Như Lân (sinh năm 1961, ở ngõ 378, phố Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội); buộc lòng tôi không thể không viết đôi dòng về sự nông cạn, phát ngôn hồ đồ, hỗn xược, xúc phạm Hội CCB Việt Nam, của “anh hùng bàn phím” này.
Lấy danh nghĩa là “Tiếng nói của người dân yêu nước Việt Nam” trong clíp dài hàng giờ, nói ra rả vào sáng ngày 21-2, Doãn Như Lân đề cập, “rao dạy” nhiều chuyện đông tây kim cổ; thậm chí còn “gợi ý” Đảng, Nhà nước nên kỷ luật, cách chức lãnh đạo thành phố này, địa phương kia…, vì để dịch Covid-19 lan tràn vừa qua… Không mất thời gian vì những điều vô bổ mà Như Lân “nổ”, tôi chỉ đề cập tới chừng 15 phút mà “anh hùng bàn phím” này đã xúc phạm đến Hội CCB Việt Nam bởi những phán xét hồ đồ, hỗn xược, những quan niệm lệch lạc, sai trái của anh ta.
Lý do duy nhất để Doãn Như Lân có những hành xử như trên, xuất phát từ việc gần đây bộ Lịch sử Việt Nam (15 tập) do Viện Sử học biên soạn được tái bản, đã thay đổi cách gọi “ngụy quân”, “ngụy quyền” (khi nhắc đến quân đội, chính quyền Việt Nam Cộng hòa trước ngày 30-4-1975), thành “quân đội Sài Gòn”, “chính quyền Sài Gòn”.
Sự hồ đồ, hỗn xược của Doãn Như Lân được biểu hiện ở nhiều vấn đề, mà trước tiên là xúc phạm tới Giáo sư Sử học, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê và Giáo sư, Tiến sĩ Sử học Vũ Minh Giang. Điều đó cũng đồng thời lật tẩy Như Lân “ăn theo, a dua” một số ít người trước đây đã từng phản ứng việc thay đổi danh xưng quân đội, chính quyền Sài Gòn của bộ Lịch sử, chứ Lân chưa hề đọc nó - tôi khẳng định điều đó. Bởi lẽ, thực tế Giáo sư Phan Huy Lê và Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Minh Giang không hề dính dáng đến bộ sử của Viện Sử học, mà Lân vẫn lôi vào, khép vào “lũ ngụy sử”, “bọn lật sử”, là “kẻ thù” để lăng mạ, chửi rủa…
Chuyện đúng sai, phải trái về việc Viện Sử học Việt Nam thay đổi danh xưng chính quyền, quân đội Sài Gòn thời kỳ trước 30-4-1975, tôi xin dành cho các nhà khoa học lịch sử, các cơ quan Đảng, Nhà nước đánh giá, minh định khi đọc kỹ, nghiên cứu kỹ càng nội dung thể hiện của bộ sử này.
Cũng có thể có người này, người kia cho rằng thay đổi tên gọi quân đội, chính quyền Sài Gòn trước đây là “lật sử”, nhưng tôi tin đa phần trong chúng ta không đến mức nông nổi cho rằng đổi tên gọi sẽ làm thay đổi bản chất của chính quyền Ngô Đình Diệm, Nguyễn Khánh, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, Trần Văn Hương…, trước đây, là phản dân, hại nước, cam tâm làm tay sai của đế quốc Mỹ, chia rẽ lâu dài đất nước, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ…; bởi những điều đó đã “đóng đinh” vào lịch sử, nhập tâm vào máu thịt của biết bao thế hệ người Việt chúng ta.
Sai trái, lệch lạc nữa của Như Lân thể hiện ở chỗ Lân cho rằng với việc thay đổi các danh xưng nói trên, các tác giả của bộ lịch sử đã “cướp công của CCB”, mà “CCB lại câm như hến”, không ai dám lên tiếng đấu tranh. Hãy nghe, Lân hằm hằm lớn tiếng: “…Bọn “lật sử”, bọn Vũ Minh Giang, Trần Đức Cường, Nguyễn Mạnh Hà, Phan Huy Lê…, nó đang muốn cướp công của tất cả các CCB… Vậy, Hội CCB có dám làm gì không? Đã có CCB nào dám đứng ra chỉ thẳng vào mặt chúng hay chưa?… Trước đây, các ông đã từng cầm súng bắn vào kẻ thù, vậy mà bây giờ có một vài kẻ thù ở trong nước mà các ông sợ, các ông không dám lên tiếng, các ông câm như hến…”.
Với việc phê phán, chửi rủa tác giả của bộ Lịch sử Việt Nam (15 tập), Doãn Như Lân tự cho mình là “người bảo vệ thành quả” của CCB… Và cũng vì tự cho mình có công “bảo vệ thành quả của CCB” nên Lân phê phán Hội CCB Việt Nam, các cán bộ Hội “được bầu lên để lĩnh lương, để hưởng thụ”, “câm như hến” không dám đấu tranh, sợ mất quyền, mất chức: “…Các vị còn sống được bao nhiêu trên cõi đời này này nữa mà cứ bám lấy cái ghế Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội CCB làm gì? Các vị thử lên tiếng đi, xem có mất chức không?”… Không có điểm dừng, Như Lân còn kích động, kêu gọi các CCB nhân đại hội các cấp Hội nhiệm kỳ tới phải lên tiếng…!
Xin khẳng định rằng: Chỉ có Như Lân và những “anh hùng bàn phím” kiểu Như Lân mới dương dương vỗ ngực cho rằng thành quả sự nghiệp kháng chiến chống đế quốc Mỹ là của CCB. Còn những CCB chân chính, những người lính của Cụ Hồ, những người đã một thời cầm súng đối mặt với kẻ thù trên chiến trường, họ thừa biết cái giá mà cả Dân tộc phải trả để có độc lập, tự do. Với tất cả sự khiêm nhường của mình, các CCB Việt Nam luôn biết sự nghiệp cách mạng, công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi là chiến công chung của toàn Dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ; chiến công này, thắng lợi này không của riêng ai. Chỉ những kẻ mang bệnh công thần mới vỗ ngực cho rằng công lao này thuộc về họ!
Hoàn thành nhiệm vụ vinh quang góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, rồi chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn, hàng triệu CCB trở về cuộc sống đời thường, lại lao vào cuộc chiến chống đói nghèo, tụt hậu. Tuy vậy, CCB Việt Nam không bao giờ quên trách nhiệm tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ thành quả cách mạng mà chính họ và biết bao đồng đội, đồng chí của họ đã cống hiến tuổi xuân, sức lực, máu xương, mạng sống của mình để góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân giành lấy. Trong số rất nhiều nhiệm vụ đươc Đảng và Nhân dân tin cây, gửi trao, Hội CCB Việt Nam đã thường xuyên thực hiện tốt chức năng phản biện xã hội; kiên quyết đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ XHCN… Nhưng đấu tranh phản biện của đa số CCB và Hội CCB Việt Nam nói chung, hay những vấn đề quốc kế dân sinh, quốc phòng - an ninh mà Hội góp ý với Đảng, Nhà nước,… được thực hiện thông qua hệ thống tổ chức của mình, qua các đợt sinh hoạt chính trị được Đảng tổ chức, thông qua các đại biểu Quốc hội là CCB…, chứ không phải cứ ông ổng trên mạng như Như Lân mới là “lên tiếng”, là “đấu tranh”, mới là “yêu nước”…!
Thành tích đấu tranh, phản biện của Hội CCB Việt Nam, đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận, đánh giá cao khi phát biểu chỉ đạo Đại hội đại biểu toàn quốc Hội CCB Việt Nam lần thứ VI (12-2017): “…Hội đã tập hợp, đoàn kết, hướng dẫn hội viên kiến quyết đấu tranh chống các âm mưu, hành động phá hoại của các thế lực thù địch cùng các quan điểm sai trái, phản động; tham gia có hiệu quả vào nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ XHCN… Các đồng chí xứng đáng là một chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền và nhân dân. Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi nhiệt liệt hoan nghênh, chúc mừng và cảm ơn Hội CCB Việt Nam …”.
Thiển nghĩ giá mà Như Lân thấy được chút ít những việc làm của Hội CCB Việt Nam vì Đảng, vì Dân vì Đất nước này, để biết đúng - sai, phải - trái; biết lễ độ, để đừng có những phát ngôn hồ đồ, hỗn xược kiểu “anh hùng bàn phím”!
Dù gần đây, một số cơ quan của Đảng, Nhà nước đã ban hành quy định, quy tắc về phát ngôn trên mạng xã hội, nhưng kiểu “nổ” như “anh hùng bàn phím” Doãn Như Lân vẫn cứ mặc nhiên diễn ra. Khi mà những kiểu phát ngôn vô tội vạ, bất luận đúng sai, phải trái, thậm chí vi phạm quy chuẩn đạo đức xã hội chưa bị pháp luật động tới, thì nên chăng buông bỏ, mặc “chó cứ sủa, đoàn người vẫn đi”, cũng là một cách ứng xử!
Duy Tường