Ân nghĩa trong những ngày cận kề sinh tử
Chiến đấu ở nhiều chiến trường ác liệt, từ Trị Thiên sang đất bạn Lào. “Tôi đánh hàng chục trận, cả đánh xa, đánh gần, cả lúc giáp lá cà… Mỗi khi tiến gần đến vị trí của địch, đạn bắn trước, bắn sau tua tủa; đạn cao vút trên đầu, đạn găm xuống đất nghe phầm phập nhưng không làm cho tôi chết được. Mặc dù vậy, tôi cũng bị thương tổng cộng 7 lần” - ông kể mà giọng nhẹ bẫng.
Trong nhiều lần cận kề sinh tử ấy, Đặng Sỹ Ngọc nhớ nhất lần bị thương cuối cùng, bị gãy tay, gãy chân và thủng bụng.
Hôm đó, vào 4 giờ sáng ngày 20-7-1972, tại phía Đông sân bay Ái Tử (Quảng Trị), đại đội của ông triển khai trận địa chống địch đổ bộ đường không thì máy bay B52 đánh đúng đội hình. Đặng Sỹ Ngọc chỉ kịp nghe tiếp nổ xé tai, chớp giật liên tục, trời đất chao đảo, rồi ông nằm sấp mê man. Không rõ bao lâu, khi nghe tiếng y tá Đức gọi: “Anh Ngọc ơi!...”, ông mới bừng tỉnh. Cố trở mình nhưng không được, ông nói giọng yếu ớt:

  • Các đồng chí kiểm tra Nga và Ngọ ở bên phải tôi đi, bởi họ gần bom hơn!
    Tiếng mấy người cùng trả lời:
  • Hai đồng chí đã hy sinh, chỉ còn anh thôi.
    Sau sơ cứu ban đầu, Đặng Sỹ Ngọc được chuyển ra Bắc. Trên đường đưa ông về tuyến sau, có hai nữ du kích Quảng Trị và một số quân y sĩ bị thương vong.
    Sau 5 tháng, có thời gian lưu lại các Đội điều trị trên tuyến 559, Đặng Sỹ Ngọc được đưa đến Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, sau đó về Quân y 109 điều trị. Mặc dù bị thương nặng, vết thương phải mổ 7 lần, nhưng ông đã kiên cường vượt qua. “Tôi sống được là do ân nghĩa của bao người, trong đó có các liệt sĩ vừa ở bên tôi đã ngã xuống, như Nga và Ngọ, như hai cô gái du kích Quảng Trị...” - ông rưng rưng tâm sự.

Ánh đèn khuya và dấu chân tri ân
Sau ngày đất nước thống nhất, Đặng Sỹ Ngọc gặp và nên duyên với Nguyễn Thị Vân, cô y tá cùng quê, công tác ở bệnh viện tỉnh. Năm 1992, ông viết đơn xin rời Đoàn an dưỡng để về sống với gia đình. Được vợ chăm lo, ba con ngoan ngoãn, học giỏi, các vết thương của ông tạm thời ổn định. Khi tích góp được ít tiền, ông bắt đầu đi tìm đồng đội, cả người sống và hài cốt các liệt sĩ ở khắp nơi, tới những vùng đất có những người mẹ, người em đã từng cưu mang mình. Trong các chuyến đi ấy, ông đã tìm được nhiều mộ chính xác và báo về cho các gia đình, như các trường hợp của liệt sĩ Nguyễn Minh Thúy, quê Hà Nội; liệt sĩ Trần Huy Hiệu, quê Hà Tây (nay là Hà Nội); liệt sĩ Nguyễn Văn Hội, quê Hưng Yên…
Năm 2006, khi đọc Báo QĐND và Báo CCB Việt Nam, ông vô tình thấy dòng tin nhắn: Ai biết liệt sĩ Trần Tất Ngọ thuộc Đại đội 10, Tiểu đoàn 15, Trung đoàn 284 ở đâu, xin báo về gia đình. Đặng Sỹ Ngọc lặng người, nhớ tới người đồng đội thân thiết. Ông lặng lẽ trốn vợ con, mang cả thương tật, lần mò vào sân bay Ái Tử năm xưa. Tìm đến nghĩa trang xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Bước chân khập khiễng, tay run run ông thắp hương, gọi tên đồng đội. Thật may, ông đã tìm được mộ của bốn đồng đội; trong đó có hai người hy sinh trong lần ông bị thương cuối cùng năm 1972 ấy, đó là Đặng Văn Nga, quê Bắc Giang và Trần Tất Ngọ, quê Nam Định. Sau đó, ông báo cho gia đình liệt sĩ và làm các thủ tục để đưa đồng đội về quê hương.
Để có tiền trang trải cho những chuyến đi và phụ giúp gia đình, thương binh Đặng Sỹ Ngọc còn chạy xe ôm. Hàng chục năm làm nghề chạy xe ôm, cho đến một ngày, ông gặp phải một trường hợp lái xe ẩu, sau khi uống rượu bia, anh ta chạy, thúc vào xe ông trên chặng đường cao tốc. Ông may mắn thoát chết, chỉ có đôi chân lại bị gãy thêm lần nữa. Sau lần đó, vợ con kiên quyết không cho ông chạy xe nữa.
Thương tật, sức lực gần như cạn kiệt, không cho phép “Đi tìm đồng đội”, Đặng Sỹ Ngọc lao vào viết sách, báo. Ông nhớ mãi kỷ niệm bài báo đầu tiên được đăng của mình: Năm ấy, nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân đội, được đồng đội khích lệ, tôi viết bài “Tiếng hô vang từ Cổng Trời” về liệt sĩ Trần Huy Hiệu. Tôi viết bằng cả tấm lòng, bằng những gì trực tiếp chứng kiến. Sau khi bài viết được đăng trên báo tỉnh, nhiều đồng đội gọi điện, biên thư chúc mừng. Thân nhân liệt sĩ Trần Huy Hiệu đã cùng tôi tìm được hài cốt liệt sĩ, đưa anh Hiệu về nghĩa trang quê nhà huyện Quốc Oai (nay thuộc Hà Nội).
Từ hiệu ứng của bài báo đầu tiên đó, ông phấn khởi say sưa viết. Ánh đèn trong căn nhà nhỏ ở thành Vinh luôn sáng đến khuya. Tên ông đều đặn xuất hiện trên các báo của T.Ư, địa phương. Những năm qua, ông còn cho ra mắt ba tập sách: “Trời xanh không biên giới”, “Dưới tầm đạn cầu vồng” và “Ký ức với đồng đội và quê hương”. Trong cuộc thi viết “Sáng danh truyền thống Bộ đội Cụ Hồ” do Báo CCB Việt Nam phát động, ông tham gia 8 bài, trong đó có bài đạt giải Ba toàn quốc. Ông còn là tác giả đoạt giải cao trong đợt viết kỷ niệm sâu sắc về CCB tỉnh Nghệ An (2011-2012). Đặc biệt năm 2010, thương binh Đặng Sỹ Ngọc được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì: Đã có thành tích trong thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” từ năm 2007 đến 2010.
Chia tay thương binh nặng Đặng Sỹ Ngọc trong tôi chộn rộn bao cảm xúc. Ôi! Một thế hệ anh hùng trong lửa đạn vẫn đang hiện hữu quanh chúng ta, sao gần gũi, dung dị mà vẫn thiêng liêng đến thế!...
Trần Hoàng Tiến